Lịch sử tỉnh Tuyên Quang - "trung tâm chiến khu cách mạng"

Trong Cách mạng tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước.

Nhắc đến Tuyên Quang, ai cũng nghĩ ngay đến "miền gái đẹp" với câu nói dân gian "chè Thái, gái Tuyên." Nhìn trên bản đồ dân tộc, Tuyên Quang như chiếc cầu nối giữa miền núi phía Bắc với trung du và đồng bằng, giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Trong Cách mạng tháng Tám, Tuyên Quang là thủ đô khu giải phóng, được chọn làm trung tâm cách mạng của cả nước. Ngày nay, Tuyên Quang được coi là điểm đến du lịch ấn tượng khi kết hợp tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm thiên nhiên.

Vị trí địa lý

Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 135km về phía Bắc; có diện tích tự nhiên 5.867km2, dân số 812.215 người (năm 2023) với 22 dân tộc anh em cùng chung sống.

Phía Bắc Tuyên Quang giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 6 huyện). Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Tuyên Quang.

Địa hình của Tuyên Quang khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh. Phía Nam tỉnh, địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông.

Có thể chia Tuyên Quang thành 3 vùng địa hình sau: vùng núi phía Bắc tỉnh gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và phía Bắc huyện Yên Sơn, độ cao phổ biến từ 200-600m và giảm dần xuống phía Nam; vùng đồi núi giữa tỉnh gồm: phía Nam huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang và phía Bắc huyện Sơn Dương, độ cao trung bình dưới 500m và hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam; vùng đồi núi phía Nam tỉnh là vùng thuộc phía Nam huyện Sơn Dương, mang đặc điểm địa hình trung du.

Ý nghĩa tên gọi và lịch sử tỉnh Tuyên Quang

Theo truyền thuyết và các sử liệu cũ, thời Hùng Vương, Tuyên Quang thuộc đất của bộ Văn Lang; thời Bắc thuộc là đất của quận Giao Chỉ, sau là quận Tân Xương và quận Tân Hưng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang, tên gọi Tuyên Quang xuất hiện sớm nhất trong cổ thư ở nước ta là trong sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc, soạn thảo ở Trung Quốc vào năm 1335.

Sách viết: "Quy Hóa giang tự Vân Nam, Tuyên Quang thủy tự Đặc Ma đạo, Đà giang thủy tự Chàng Long, nhân danh yên" (có nghĩa là nước sông Quy Hóa từ Vân Nam chảy về, nước sông Tuyên Quang từ đạo Đặc Ma chảy về, nước sông Đà từ Chàng Long chảy về, nhân có ngã ba sông mà đặt tên như vậy).

Sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Có thể thời điểm đó tên gọi Tuyên Quang bắt nguồn từ tên một con sông, sông Tuyên Quang (nay là sông Lô) mà tác giả sau này có viết đến. Cao Hùng Trưng (thời Minh) viết trong "An Nam chí nguyên": sông Tuyên Quang ở huyện Khoáng; tác giả Nguyễn Văn Siêu viết trong "Đại Việt địa dư toàn biên": sông Tuyên Quang ở phía bắc phủ Giao Châu; tác giả Đặng Xuân Bảng viết trong "Sử học bị khảo": sông Tuyên Quang phát nguồn từ ty Giáo Hóa chảy về.

Vào thời Trần (thế kỷ 13-14), Tuyên Quang có tên hành chính là "lộ." Bài minh văn khắc trên quả chuông ở Bạch Hạc Thông Thánh quán (Việt Trì, Phú Thọ), đúc năm Đại Khánh thứ 8, thời vua Trần Minh Tông (năm 1321) có nói về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân nhà Trần như sau: "Cuối đông năm Giáp Thân (1284) giặc Bắc (chỉ quân Nguyên-Mông) đến xâm lược.

Bấy giờ, Khai Quốc Vương Trần Nhật Duật trấn thủ ở các lộ Tuyên Quang. Đến năm Ất Dậu (1285) tại sông Bạch Hạc, ông đã cắt tóc thề nguyền với thần linh đem hết tấm lòng trung để báo ơn vua..."

Cũng theo Lê Quý Đôn, đến cuối thời Trần, Tuyên Quang còn có tên là "trấn": trấn Tuyên Quang, triều đình đặt chức Phiêu kỵ Đại tướng quân để thống lĩnh.

Tuy nhiên, từ thời Trần trở về trước, nền hành chính của Tuyên Quang chưa ổn định. Bấy giờ, Tuyên Quang là vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số, họ lấy "châu" làm lãnh thổ của riêng mình, ít phụ thuộc hoặc phụ thuộc lỏng lẻo vào triều đình phong kiến trung ương, như: châu Đô Kim (nay là Hàm Yên), châu Vị Long (nay là Chiêm Hóa)... do đó, các vị vua triều Lý-Trần đều sử dụng chính sách "viễn nhu" để bảo đảm an ninh biên cương và giữ khối đoàn kết dân tộc.

Khi đô hộ nước ta, giặc Minh đã đặt nền hành chính Tuyên Quang vào "phủ" gọi là phủ Tuyên Quang sau đó đổi là châu Tuyên Hóa. Phủ Tuyên Quang lúc này có 9 huyện là: Đương Đạo, Văn Yên, Bình Nguyên, Để Giang, Thu Vật, Đại Man, Khoáng, Dương, Ất. Đứng đầu phủ là tri phủ, đứng đầu huyện là tri huyện.

Thời Lê sơ (thế kỷ 15-16), để tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với các miền biên viễn, năm 1466, Lê Thánh Tông chia nước ta thành 12 đạo, Tuyên Quang trở thành một đạo thừa tuyên gồm một phủ (thủ phủ là Yên Bình), một huyện (Phúc Yên) và 5 châu: Thu Vật, Lục Yên, Đại Man, Bình Nguyên, Bảo Lạc.

Đứng đầu đạo thừa tuyên là Đô ty, dưới là Thừa ty. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ 12 đạo thì đạo thừa tuyên Tuyên Quang có 1 phủ (Yên Bình), 1 huyện (Phúc Yên) và 5 châu: Thu Vật, Lục Yên, Đại Man, Bình Nguyên, Bảo Lạc; tổng cộng 223 xã, 11 phường, 2 thôn, 1 trang, 7 động.

Đến năm Hồng Đức 21 (1490), đạo thừa tuyên đổi tên là xứ Tuyên Quang, tên phủ, huyện không thay đổi.

Khi Gia Quốc Công Vũ Văn Mật có công phò Lê đánh Mạc được cai quản một vùng đất rộng lớn gồm xứ Tuyên Quang và phủ Hưng Hóa (Phú Thọ và Vĩnh Phúc) đặt tên là Dinh An Tây (trung tâm là đất Đại Đồng, nay thuộc xã An Khang.

Dòng họ Vũ thế tập 5 đời tổng cộng 142 năm kể từ Vũ Văn Uyên năm Thống Nguyên thứ 6 (1527) đến năm Cảnh Trị thứ 7 (1669).

Năm 1669, Vũ Công Tuấn trên đường từ kinh thành về thực hiện mưu đồ phản nghịch bị Lưu thủ kinh thành là Điện quận công Trịnh Ác đem quân đuổi theo giết chết. Sau sự kiện này, nhà Lê bỏ quyền thế tập của dòng họ Vũ, chia vùng này thành 2 trấn: Tuyên Quang và Hưng Hóa, đặt lưu quan cai trị như trước.

Đầu triều Nguyễn (thế kỷ 19), tên gọi các đơn vị hành chính xứ Tuyên Quang cơ bản vẫn giữ như thời Lê. Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trong cả nước, Tuyên Quang trở thành một tỉnh dưới quyền kiểm soát của Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên.

Cương vực địa lý tỉnh Tuyên Quang thời điểm này được các sử gia chép lại như sau: phía Bắc giáp Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), phía Nam giáp phủ Đoan Hùng, phía Tây giáp tỉnh Hưng Hóa, phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên.

Vị tổng đốc đầu tiên là Quân vụ Đại thần Địch trung tử Hoàng Kế Viêm. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1833), tách phủ Yên Bình thành 2 phủ là Yên Bình và Yên Ninh, các châu huyện từ thời Lê cũng có nhiều thay đổi:

Phủ Yên Bình: được thành lập từ năm Quang Thuận thứ 7 (1466) và được giữ tên qua nhiều giai đoạn lịch sử, địa giới phủ rất rộng, gồm 2 châu: Thu Vật, Lục Yên và 2 huyện: Hàm Yên, Vĩnh Tuy.

Châu Thu Vật: có tên từ thời Trần là trại Thu Vật, thời thuộc Minh, thời Lê vẫn giữ nguyên, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi tên là Thu Châu, gồm 8 tổng, 39 xã, thôn, sau năm 1945 đổi thành huyện Yên Bình (nay là huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

Châu Lục Yên: vốn là tên châu từ thời Lê, thuộc phủ Yên Bình, gồm 6 tổng, 27 xã, thôn (nay là huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái).

Huyện Hàm Yên: thời Đinh-Tiền Lê (thế kỷ 10) có tên là Sóc Sùng, thời Lý gọi là châu Tô Mậu, sau đổi là châu Đô Kim, thời thuộc Minh là huyện Văn Yên.

Đầu thời Lê đổi là huyện Sùng Yên, năm 1466 đổi là huyện Phúc Yên (thuộc phủ Yên Bình). Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi là huyện Hàm Yên, gồm 10 tổng, 62 xã, phố, vạn, trại (nay là huyện Hàm Yên và một phần huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang).

Huyện Vĩnh Tuy: vốn là đất thuộc châu Vị Xuyên. Năm 1833, châu Vị Xuyên tách thành huyện Vị Xuyên (thuộc phủ Tương An) và huyện Vĩnh Tuy, gồm 6 tổng, 28 xã, thôn (nay là huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).

Phủ Yên Ninh: được thành lập từ năm 1833 do tách từ phủ Yên Bình, đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi phủ Yên Ninh thành phủ Tương An, gồm châu Chiêm Hóa và 3 huyện: Vĩnh Điện, Để Định, Vị Xuyên:

Châu Chiêm Hóa: từ thời Trần trở về trước là Châu Vị Long, thời thuộc Minh đặt tên là Châu Đại Man. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), sau khi nhà Nguyễn dẹp yên cuộc khởi nghĩa của thổ tù Nông Văn Vân, đến năm 1835 đổi thành Châu Chiêm Hóa, có 4 tổng, 40 xã, thôn, phố, vạn, trại (nay là huyện Chiêm Hóa và huyện Nà Hang).

Huyện Vị Xuyên: thời thuộc Minh là châu Bình Nguyên, đến thời Mạc (thế kỷ 16) do kiêng tên húy của vợ vua Mạc, phải đổi thành châu Vị Xuyên, đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), tách huyện Vị Xuyên thành hai huyện: hữu ngạn sông Lô là huyện Vĩnh Tuy, gồm 6 tổng, 28 xã, thôn (nay là huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) và tả ngạn sông Lô là huyện Vị Xuyên, gồm 5 tổng, 31 xã (nay là huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).

Châu Bảo Lạc là châu thuộc đất của phủ An Bình từ thời Lê, đến năm 1835 sau khi dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân, nhà Nguyễn bỏ tên Châu Bảo Lạc, tách thành 2 huyện: Để Định, gồm 2 tổng, 9 xã và Vĩnh Điện, gồm 2 tổng, 11 xã (nay là huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).

Thời Pháp thuộc, tổ chức hành chính tỉnh Tuyên Quang có nhiều biến đổi. Ngày 9/9/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập 4 đạo quan binh ở Bắc kỳ, đã phân chia địa giới tỉnh Tuyên Quang vào các đạo Quan binh 2 và đạo Quan binh 3.

Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tái lập tỉnh Tuyên Quang, tỉnh lỵ đặt tại xã Ỷ La, gồm phủ Yên Bình, lấy huyện Sơn Dương của tỉnh Sơn Tây nhập vào tỉnh Tuyên Quang, năm 1913, đổi huyện Sơn Dương thành châu Sơn Dương.

Năm 1916, tách huyện Hàm Yên thành huyện Yên Sơn và châu Hàm Yên, cắt phủ Tương An (Yên Ninh cũ) và 3 huyện: Bảo Lạc (cũ), Vị Xuyên, Vĩnh Tuy đặt làm tỉnh Hà Giang, cắt châu Lục Yên sáp nhập vào tỉnh Yên Bái.

Bản đồ hành chính tỉnh Tuyên Quang.

Trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), Tuyên Quang có 1 phủ Yên Bình kiêm lãnh 4 huyện là Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương, trung tâm tỉnh lỵ đặt ở xã Ỷ La (Hàm Yên), tòa xứ tỉnh thự đặt ở phía đông bắc thành cổ Tuyên Quang (thành Nhà Mạc), dân đinh có 8.591 người, điền thổ 42.149 mẫu, dân Mán có 1.532 người.

Trong Cách mạng tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước.

Bác Hồ thăm đình Tân Trào tháng 3/1961. (Ảnh tư liệu)

Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, nơi đồng bào cả nước "trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền." Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng, bảo vệ An toàn khu (ATK); bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng Lào.

Trong kháng chiến chống đế quốc, Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa

Với bề dày lịch sử, Tuyên Quang hiện có 661 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 182 di tích được xếp hạng quốc gia, 271 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh có 3 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Di tích lịch sử Tân Trào, Sơn Dương; Di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình (Chiêm Hóa); danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình.

Tuyên Quang được ví như “bảo tàng sống," là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước.

Khách tham quan đình Tân Trào. (Ảnh Vũ Quang/TTXVN)

Nằm ở trung tâm thành phố Tuyên Quang, ngay sát dòng Lô lịch sử, quảng trường Nguyễn Tất Thành với diện tích trên 8,5ha đã trở thành điểm đến mang giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người dân Tuyên Quang.

Năm 2022, “Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng” là 1 trong 11 công trình, dự án cảnh quan xuất sắc đạt “Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á” (Asian Townscape Awards).

Đến năm 2022, Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình duy nhất trong cả nước đạt được giải thưởng danh giá này.

Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội Trung Thu độc đáo, đặc sắc, riêng có của tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức hoành tráng, lớn nhất cả nước, có hàng trăm mô hình đèn trung thu khổng lồ, lung linh, rực rỡ sắc màu, mô phỏng một cách đầy sáng tạo các hình tượng, nhân vật trong thế giới cổ tích, huyền thoại hoặc trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc; với 3 lần được được Hội đồng Kỷ lục Quốc gia trao bằng xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, cho: "Đêm hội Trung Thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam"; "Mâm cỗ Trung Thu lớn nhất Việt Nam"; "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam."

Mô hình đèn Trung Thu tại Lễ hội Thành Tuyên năm 2024. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Với khát vọng xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định "phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh" là một trong ba khâu đột phá, trong đó gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc./.