Lịch sử tỉnh Bến Tre - quê hương của Phong trào Đồng khởi

Bến Tre nổi tiếng với danh xưng "xứ dừa," không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên mà còn có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với những sự kiện quan trọng của đất nước. 

Bến Tre, một tỉnh nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ, nổi tiếng với danh xưng "xứ dừa" bởi sản lượng dừa lớn và đặc sản dừa phong phú.

Tỉnh Bến Tre không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với những sự kiện quan trọng của đất nước.

Vị trí địa lý

Bến Tre có tổng diện tích tự nhiên 237.970ha. Phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang. Phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Vĩnh Long. Phía Nam giáp tỉnh Trà Vinh. Phía Đông giáp biển Đông.

Địa giới hành chính tỉnh Bến Tre gồm 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 8 huyện và 157 xã, phường, thị trấn.

Tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, dân số Bến Tre là 1.305.281 người, đứng thứ 29 cả nước.

Lịch sử hình thành và phát triển

Tỉnh Bến Tre có tên gọi xuất phát từ hai chữ "Bến" và "Tre," phản ánh sự gần gũi với dòng sông, với các cánh đồng tre bao quanh và sự phát triển từ lâu đời của người dân nơi đây.

Quá trình hình thành vùng đất Bến Tre gắn liền với hình thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và khởi nguồn cách nay vài triệu năm. Cho đến cách nay khoảng 2.500-2.000 năm, đất Bến Tre mới nhô lên khỏi mặt nước biển và phải 500-300 năm sau, khi nước biển rút dần, đất Bến Tre dần dần xuất lộ như hình hài hiện nay.

Trước khi di chỉ Giồng Nổi được khai quật (từ năm 2004-2006, tại xã Bình Phú, thành phố Bến Tre) tất cả mọi người, kể cả các nhà khoa học, đều tin chắc rằng Bến Tre chỉ tồn tại với niên đại khoảng 300 năm.

Nhưng đến nay, qua các lần khai quật ở di chỉ Giồng Nổi, các cứ liệu đã chứng minh Bến Tre đã có cách nay hơn 2.000 năm. Các di chỉ khảo cổ Giồng Nổi cho thấy từ khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên, con người đã cư trú ở đây.

Giồng Nổi là một làng cổ, nơi sinh sống tập trung ổn định của cư dân cổ Bến Tre qua nhiều thế hệ, kéo dài mấy trăm năm.

Từ thế kỷ thứ 1-7 sau Công nguyên, đất Bến Tre ngày nay thuộc lãnh thổ nước Phù Nam, một đế chế hùng mạnh rộng lớn, nhưng về sau nội bộ chia rẽ, và suy yếu dần.

Năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào miền Nam lập ra phủ Gia Định thì đất Bến Tre còn là của nước Thủy Chân Lạp (thuộc Phù Nam trước đây).

Đến năm Đinh Sửu (1757) vua Nặc Nguyên chết, chú là Nặc Nhuận xin hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắt (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát phong làm vua.

Như vậy, từ năm 1757, đất Bến Tre không còn thuộc Thủy Chân Lạp nữa mà được sáp nhập vào bản đồ nước Nam, thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ, phủ Gia Định (dinh Long Hồ đóng ở Vĩnh Long, trước năm 1757 đóng tại Cái Bè, Tiền Giang).

Đến năm 1779, khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, tổ chức lại hành chánh thì đất Bến Tre thuộc tổng Tân An, châu Định Viễn, dinh Long Hồ, phủ Gia Định (châu Định Viễn có 3 tổng: Bình An, Bình Dương và Tân An).

Nhờ sự cần cù chịu đựng gian khó khai khẩn, vùng đất mới Bến Tre ngày càng được mở rộng, di dân đến định cư ngày càng đông, đơn vị hành chính mới qua các triều đại thay đổi nhiều tên gọi.

Cho đến năm 1851, dưới triều Tự Đức, đất Bến Tre được gọi là phủ Hoằng Trị, gồm 4 huyện: Tân Minh, Duy Minh (cù lao Minh), Bảo An, Bảo Hựu (cù lao Bảo).

Năm 1867, sau khi chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, phủ Hoằng Trị (Bến Tre) thuộc tỉnh Vĩnh Long, thực dân Pháp đổi thành hạt Hoằng Trị.

Ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperré, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc.

Mỗi khu vực hành chính được chia thành nhiều tiểu khu. Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc thuộc khu vực hành chính Vĩnh Long. Tòa hành chính Bến Tre được xây dựng (nay là Bảo tàng tỉnh).

Vào năm 1892, thực dân Pháp lập hạt Bến Tre thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm cù lao Bảo (11 tổng, 99 làng) và cù lao Minh (10 tổng, 83 làng).

Đến năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi “tiểu khu,” cũng gọi là Sở tham biện - đơn vị hành chính ở Nam Kỳ lúc đó, thành tỉnh và phân chia làm 3 miền: Miền Đông gồm 4 tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một; miền Trung gồm 6 tỉnh: Chợ Lớn, Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc; miền Tây gồm 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng; với 21 tổng, 144 làng.

Theo quyết định của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký ngày 12/12/1899, các hạt đổi thành tỉnh có hiệu lực pháp lý từ ngày 1/1/1900.

Năm 1910 thêm đơn vị hành chánh quận, Bến Tre có 4 quận Sóc Sải (Châu Thành ngày nay), Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú.

Trong kháng chiến chống Pháp, có thời điểm Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đổi tên tỉnh Bến Tre thành tỉnh Đồ Chiểu (6/2/1946). Lập thêm quận Tán Kế (lấy một phần đất Ba Tri và Châu Thành).

Năm 1948, thực hiện Nghị định của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, quận An Hóa của tỉnh Mỹ Tho được sáp nhập về Bến Tre.

Đồng thời, lập mới huyện Chợ Lách lấy từ 6 xã của Vĩnh Long và 14 xã của phía Bắc Mỏ Cày; thành lập thị xã Bến Tre trên địa bàn xã An Hội I và An Hội II của huyện Châu Thành, giải thể quận Tán Kế. Tên gọi quận, làng đổi là huyện, xã.

Sau Hiệp định Geneva, Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, đến năm 1956 đổi tên Bến Tre là Kiến Hòa. Riêng ta vẫn giữ tên Bến Tre, cơ bản vẫn giữ như năm 1948; năm 1959 lập huyện Giồng Trôm trên cơ sở huyện Tán Kế cũ đã giải tán.

Năm 1960, cuộc khởi nghĩa Đồng Khởi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra theo đúng kế hoạch dự định và giành thắng lợi tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, huyện Mỏ Cày.

Di tích cấp quốc gia nơi ở và hoạt động của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo, tọa lạc tại số 146 đường Hùng Vương, phường 3, thành phố Bến Tre. (Nguồn: Báo Đồng Khởi)

Ngày 5/12/1960, dưới thời Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo (26/11/1960-26/5/1962), chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 1192-NV thành lập quận Hương Mỹ thuộc tỉnh Kiến Hòa, quận lỵ đặt tại Cầu Mống.

Ngày 7/3/1963, theo Nghị định số 209-NV, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Đôn Nhơn thuộc tỉnh Kiến Hòa, quận lỵ đặt tại Ba Vát.

Ngày 7/3/1974, chính quyền Sài Gòn có Nghị định số 184-NĐ/NV thành lập thêm quận mới thuộc tỉnh Kiến Hòa là quận Phước Hưng, gồm 9 xã, quận lỵ đặt tại xã Phước Long.

Đến năm 1975 (trước khi miền Nam được giải phóng), tỉnh Kiến Hòa gồm 10 quận: Trúc Giang, Hàm Long, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Đôn Nhơn, Hương Mỹ và Phước Hưng.

Từ chiều tối ngày 30/4/1975 đến sáng ngày 1/5/1975, toàn tỉnh Bến Tre được hoàn toàn giải phóng, trật tự trị an nhanh chóng được thiết lập.

Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước."

Theo Nghị quyết này, tỉnh Long An, tỉnh Bến Tre, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.

Nhưng đến ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Bến Tre vẫn để thành tỉnh riêng biệt.

Tháng 2/1976, tỉnh Kiến Hòa đổi thành tỉnh Bến Tre. Tỉnh Bến Tre có thị xã Bến Tre và 7 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú.

Ngày 9/2/2009, chia huyện Mỏ Cày thành hai huyện: Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam.

Ngày 11/8/2009, chuyển thị xã Bến Tre thành thành phố Bến Tre.

Tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Bến Tre và các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú.

Ngày 13/2/2019, thành phố Bến Tre được công nhận là đô thị loại 2.

Đến cuối năm 2024, theo Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, giai đoạn 2023-2025, sau khi sắp xếp lại tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 1 thành phố (thành phố Bến Tre, Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách); 148 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 132 xã, 6 phường và 10 thị trấn (Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/12/2024).

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay./.