Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước

Trong định hướng phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu sớm trở thành trung tâm kinh tế-tài chính, văn hoá, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong định hướng phát triển, thành phố phấn đấu sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Vị trí địa lý

Thành phố Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Sài Gòn, tọa lạc tại “ngã tư” của vùng Nam Bộ.

Phía Bắc, thành phố giáp các tỉnh Tây Ninh và Bình Dương, với các tuyến đường quan trọng như quốc lộ 13 lên Tây Nguyên và quốc lộ 22 dẫn vào Campuchia. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, là cửa ngõ đi ra miền Trung và Thủ đô Hà Nội qua Quốc lộ 1A. Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An, nối liền các tỉnh miền Tây qua Quốc lộ 1A và đường sông. Còn phía Đông Nam, thành phố tiếp giáp Biển Đông, mở ra tuyến đường hàng hải quốc tế.

Bản đồ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh)

Với diện tích 2.098km2, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ 0,63% tổng diện tích đất nước và là địa phương đông dân nhất cả nước, với hơn 9,5 triệu người sinh sống (cụ thể: 9.521.886 người tính đến ngày 1/4/2024, theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024).

Lịch sử hình thành

Theo cuốn “Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh” (Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh), từ cuối thế kỷ 16, những nhóm lưu dân Việt Nam đầu tiên đã bắt đầu vào Nam bằng thuyền. Họ cũng di cư lên các vùng thuộc kinh đô của nước Chân Lạp, đến kinh đô Ayuthia của nước Xiêm và lập nên các làng mạc ở đó.

Tại các thành thị, họ chủ yếu làm nghề thủ công, buôn bán và vận tải; còn ở các thôn quê, họ khai hoang lập ấp, trồng lúa, đánh cá.

Đi tới đâu, họ luôn được chính quyền địa phương tin tưởng nhờ vào tay nghề khéo léo, tính cần cù, tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước mình, và mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền.

Vào thời điểm lưu dân Việt Nam đặt chân đến vùng đất Sài Gòn, họ chưa được phân biệt rõ ràng theo các sắc tộc, vì vậy tất cả đều được gọi chung là người “Man.”

Người Việt - thạo nghề trồng lúa nước từ ngàn xưa - khai khẩn các ruộng sâu có nhiều cỏ (gọi là thảo điền), còn người dân tộc làm các ruộng cao trên gò hay giồng (gọi là sơn điển).

Chỉ trong mấy chục năm, người Việt đã tới khá đông, đủ sức khai khẩn các cánh đồng màu mỡ. Người Xtiêng, người Mạ và số rất ít người Miên rút dần về các vùng nhiều đồi núi, thích hợp với kỹ thuật làm rẫy, săn bắn và tổ chức buôn sóc hơn.

Đầu thế kỷ 18, họ còn ở quanh vùng Gò Vấp, Hóc Môn, rồi thiên cư lần lên phía Bắc, ở những nơi mà người đồng tộc với họ đã sinh sống từ lâu.

Những người Việt vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, cho đến gần hết thế kỷ 17, đã chinh phục thiên nhiên, làm chủ đất đai, “mở cõi” bằng chiếc búa phá rừng, bằng cái phảng chém cỏ, bằng lưỡi cày với đôi trâu. Vì vậy họ gắn bó bền chặt với ruộng vườn.

Lưu dân Việt Nam đã tới khẩn hoang lập ấp trên địa bàn Sài Gòn từ rất lâu trước năm 1674. Sài Gòn khi ấy có lẽ đã trở thành một thị trấn tương đối quan trọng, mà việc cai trị đều do lưu dân tự quản.

Nam Bộ xưa, trước khi có lưu dân Việt Nam đến khẩn hoang lập ấp là đất rất hoang vắng. Dân Khơ Me còn tập trung và khai thác các vùng đất màu mỡ quanh Biển Hồ, chưa đủ số đông và công sức để khai hoang miền nam Thủy Chân Lạp, đặc biệt từ bờ Tiền Giang tới lưu vực sông Đồng Nai.

Đây đó lác đác trên mấy giồng đất cao có ít sóc Miên hoặc buôn dân tộc, chính quyền chưa đặt thành cơ cấu hành chính hoàn chỉnh; việc cai trị còn lỏng lẻo, rất sơ sài. Trước tình hình đó, người lưu dân Việt Nam đã sáng lập Sài Gòn từ một cánh rừng hoang bát ngát trở thành một trung tâm quân cư sầm uất.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh)

Sài Gòn xưa được biết đến là rừng rậm hoang vu, rất ít dân cư. Từ khi lưu dân Việt Nam tới, Sài Gòn lần lượt trở thành một bến sông, một phố chợ, một sở thu thuế, một ngã tư giao dịch quốc tế, một đồn lũy chiến lược, rồi một trung tâm hành chính chung cho toàn miền Nam đất mới.

Vị trí của Sài Gòn được khẳng định ngay trong thời dân lưu tán tự phát, vị trí đó mỗi ngày thêm quan trọng và liên tục tăng trưởng, chưa bao giờ bị thiên di hay xuống cấp.

Mùa Xuân tháng Hai năm Mậu Dần (1698), Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh bấy giờ là Trấn thú dinh Bình Khang, tuân lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu lên đường kéo quân vào Nam.

Đây là lần đầu tiên ông vào Đồng Nai-Gia Định. Ông đã tìm hiểu địa lý thiên nhiên và cư dân sinh sống. Sau đó ông phân định ranh giới, thành lập các đơn vị hành chính, cắt cử người đặt vào các cương vị thích hợp, chỉ định các nơi cần đặt đồn tuần và cửa tấn.

Việc thành lập các đơn vị hành chính, Nguyễn Hữu Cảnh cũng tuân theo hệ thống tổ chức như ở miền đất cũ. Bước đầu, Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra phủ Gia định trên vùng đất mới, bao gồm hai huyện là Phước Long và Tân Bình, lấp sông Đồng Nai và sông Sài Gòn làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện.

Ở huyện Phước Long nay là địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, một phần nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Thành phố Thủ Đức) xây dinh Trấn Biên (sau là tỉnh Biên Hòa).

Ở huyện Tân Bình (nay là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, phần lớn tỉnh Long An, một phần tỉnh Tiền Giang (khu vực Gò Công) dựng dinh Phiên Trấn (sau là tỉnh Gia Định).

Mỗi huyện chia làm bốn tổng. Huyện Phước Long có bốn tổng là Phước Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An. Huyện Tân Bình có bốn tổng là Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Thuận Cách (tới triều Gia Long đổi là Thuận An).

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh đặt xong nền móng hành chính tại Phủ Gia Định, chúa Nguyễn ban lệnh cho các địa phương, từ Nam Bố Chính trở vào nam vận động, chiêu mộ những người nghèo khổ, xiêu tán vào đây lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Từ đó dân số phủ Gia Định ngày một tăng cao, nhờ vào chính sách mềm dẻo của Chúa Nguyễn.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh)

Tháng Tư năm Tân Hợi (1731), người Ai Lao và Sá Tốt đem quân Chân Lạp xuống cướp vùng Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Trú bèn sai Thống suất Trương Phước Vĩnh chỉ huy binh các đạo đi đánh. Lãnh chức Điều khiển Gia Định, chỉ huy tiến đánh Sá Tốt, phạm sai lầm, Trương Phước Vĩnh bị cách chức. Cai cơ Nguyễn Hữu Doãn được cử thay thế.

Chúa Nguyễn cho rằng đất Gia Định địa thế rộng lớn, nhiều kênh rạch, đi lại khó khăn, chúa mới chia đất đặt ra châu Định Viễn (sau gọi là phủ Đinh Viễn, thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay). Đó là năm Nhâm Tý (1732) đời chúa Nguyễn Phúc Trú.

Năm Giáp Tý (1744), chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương, sửa đổi triều chính, chia lãnh thổ xứ Đàng Trong hay còn gọi là Nam Hà thành 12 dinh, trong đó phần đất mới phía Nam có 3 dinh là Trấn Biên, Phiến Trấn và Long Hồ (phần đất châu Định Viễn cũ).

Sau khi thành lập phủ Gia Định và hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, các chúa Nguyễn chỉ lo giúp dân an cư lạc nghiệp, khai hoang trồng trọt để cải thiện đời sống trên vùng đất mới.

Nhưng do tình hình khách quan đưa đến, vùng đất Gia Định ngày một được mở rộng thêm, kéo dài trong hơn nửa thế kỷ (1698-1757), khi thì do Tổng binh Mạc Cửu hiến dâng, khi thì do các vua Chân Lập hiến tặng để trả ơn cứu nguy.

Vào đầu thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Pháp đã phát triển cao, cần phải có thị trường để cung Vào cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy và tiêu thụ hàng hóa sản xuất ở chính quốc.

Nhưng tư bản Pháp lại đi sau tư bản Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, nên những vùng đất màu mỡ trên thế giới đã bị các nước này chiếm, chỉ còn các nước Đông Dương là chưa bị xâm chiếm. Tư bản Pháp thông qua chính phủ Pháp nhắm tới vùng này với sự giúp sức của các thừa sai Thiên Chúa giáo.

Ngày 1/9/1858 Đô đốc Rigault de Genouilly đem 14 tàu chiến, 3.000 quân tấn công Đà Nẵng, bắn phá và chiếm hai pháo đài An Hải, Điện Hải của ta.

Quân Pháp áp dụng chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, sớm triệt hạ lực lượng kháng chiến của quân ta tại Đà Nẵng, thừa thắng xông lên, kéo thẳng ra Huế bắt ép vua Tự Đức đầu hàng, thiết lập nền bảo hộ của nước Pháp.

Ngày 9/2/1859, đoàn tàu chiến Pháp vào đến vùng biển Vũng Tàu. Ngày 10/2/1859 đoàn tàu bắt đầu theo dòng sông Lòng Tàu lên đánh thành Gia Định.

Ngày 11/2/1859, quân Pháp tiến đến bắn phá pháo đài Cần Giờ để mở cửa vào sông. Đạn đại bác trên tàu Phlégéton bắn hạ đồn. Từ đó đến ngày 15/2/1859, quân Pháp lần lượt hạ các pháo đài.

Chiều ngày 15/2/1859 tàu chiến Pháp đến cửa ngõ thành Gia Định. Thành Gia Định bấy giờ về mặt đường sông được bảo vệ bởi hai tiền đồn là hai pháo đài lớn ở hai bên bờ sông Sài Gòn: Pháo đài Tô Định và pháo đài Hữu Bình.

Pháo đài Tả Định còn gọi là đồn Cá Trê ở phía Thủ Thiêm bấy giờ thuộc tỉnh Biên Hòa đã được tăng cường bởi quân của Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan và quân của Ấn sát Lê Từ và quyền Đế đốc Trấn Tri từ thành Gia Định tới.

Pháo đài Hữu Bình còn gọi là đồn Giao Khấu hay đồn Rạch Bàng trên đất làng Khánh Hội tỉnh Gia Định, về sau người Pháp cải tạo thành pháo đài phía Nam (Fort du Sud) gắn cầu Tân Thuận ngày nay.

Sau khi đánh vỡ Đại đồn Chí Hòa, Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ra ba tỉnh miền Đông. Sài Gòn trở thành trung tâm cai trị và kinh tế (thực dân), thu hút nhiều lớp người mới vào thành thị.

Lúc này, Pháp bắt đầu xây dựng một khu hành chính làm trung tâm cho thị xã, xung quanh có rào, bên trong đặt dinh thống đốc-đô đốc, các sở hành chính, nhà dây thép, nhà thương, nhà thờ, tất cả đều làm bằng gỗ.

Đến năm 1863, Pháp mới tập hợp lại được 12 thôn trong số 40 thôn cũ, mà 12 thôn đó cũng chỉ có 830 đinh. Cả Sài Gòn, Chợ Lớn khi ấy (1863) có gần hai vạn dân cư kể cả Tàu, Tây, Mani và người "di cư" theo hải quân Pháp từ Đà Nẵng vào hồi cuối năm 1859.

Pháp dời "làng Đà Nẵng" từ vàm Thị Nghè về phía Cầu Bông để có chỗ xây dựng một xưởng sửa chữa tàu, ta gọi là Ba Son. Xưởng đầu tiên của Sài Gòn là một xưởng cơ khí. Ở đó ngay từ đầu, trong những trại gỗ lá, có trại đúc, trại nguội, trại hàn, trại rèn, trại mộc, trại đánh dây, ụ nổi... dùng nhân công người Việt và người Hoa dưới sự kiểm soát nghiêm mật của một đại đội thủy binh Pháp. Xưởng này cũng đóng những tàu nhỏ đi sông.

Cảng Sài Gòn mở cho tàu các nước Á, Âu thì việc mở xưởng Bason (Arsenal). Sài Gòn lại là nơi xuất cảng ngày càng nhiều lúa gạo. Thuyền nhiều, hàng lắm, Pháp càng lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, mở xuất nhập cảng để thu thuế, thu lãi. Vì vậy, Pháp là cho Hoa kiểu đấu thầu làm bến dài 1.800m, tàu biển sâu 4,2m dưới mặt nước có thể đậu sát bờ được.

Họ cũng cho thầu cất chợ, vét kinh, xây một số kho tàng, dựng doanh trại, công sở mới. Công nghiệp xây dựng phát triển nhanh cùng với công nghiệp xay lúa, đóng thuyền, làm gạch, ngói, mộc.

Dọc theo sông Bến Nghé, xưa là vùng đất thấp, nhiều ao hồ, lạch, rạch. Đế có đất cao ráo cất nhà, ban đầu Pháp theo những đường kinh cũ mà đào rộng hơn, sâu hơn, quãng đất lên bờ làm nên; sau rồi ban đất trên đồi cao xuống mé sông, lấp kênh, đắp đường.

Những ai bỏ nhà về tỉnh thì Pháp tịch thu đất, đem bán đấu giá. Đường phố được xẻ rộng, thẳng, theo một số kế hoạch, hai bên đường trồng cây được ươm sẵn tại vườn bách thảo.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh)

Kinh tế Sài Gòn phát triển theo sự phát triển của việc xuất cảng lúa gạo. Và bộ mặt thành phố Sài Gòn cũng bắt đầu thay đổi, dân đông dần lên, nhà gỗ lá thành nhà gạch ngói. Vào đầu những năm 80 thì cả Sài Gòn-Chợ Lớn có khoảng mười vạn dân và bắt đầu có dáng vẻ một thành phố Tây phương-thuộc địa.

Pháp xây dựng bộ máy thống trị thực dân tại Sài Gòn và biến Sài Gòn thành căn cứ chuẩn bị xâm lược Bắc, Trung.

Pháp mở cảng Sài Gòn từ 1860, năm đó nhiều nước thiếu gạo nên nhiều tàu ăn gạo đến Sài Gòn. Năm 1862, có 114 tàu châu Âu và Trung Quốc vào Sài Gòn. Năm 1867, Sài Gòn xuất khẩu riêng về phần lúa gạo là 193.000 tấn.

Tương ứng với sự xuất cảng lúa gia tăng là sự phát triển của nghề đóng thuyền, vận tải đường sông, xay thóc, vô bao, khuân vác ở bến tàu, bến thuyền. Nhưng trước 1877 chỉ có xưởng thủ công xay lúa. Nhà máy xay lúa đầu tiên xuất hiện năm 1877.

Hai năm trước đó (năm 1875) đã thấy xuất hiện nhà máy cưa. Trại mộc, lò gạch ngói trở nên nhiều theo nhịp xây dựng phố xá, xí nghiệp, công sở. Nhà máy đường, nhà máy bia thất bại, nhưng xưởng sửa tàu, đóng thuyền thì hoạt động mạnh thêm. Tất cả đều ở trong tay của Tây và Tàu.

Bước phát triển thứ hai của Sài Gòn về mặt kinh tế bắt đầu từ những năm 80 cho đến cuối thế kỷ 19. Năm 1881, Pháp bắt tay vào việc làm đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, xây hai cầu lớn trên sông Vàm Cỏ; công thương Sài Gòn-Chợ Lớn được kích thích.

Việc xuất cảng lúa gạo ở Sài Gòn tiến những bước dài, từ 1886, mỗi năm hơn nửa triệu tấn. Xuất cảng lúa gạo chiếm trên dưới 75% tổng giá trị xuất cảng. Nam Kỳ bị đẩy vào thế độc canh, canh tác nhằm để xuất cảng.

Rất nhiều thủ công xưởng và nhà máy mọc lên dọc theo những con sông từ Chợ Lớn ra Sài Gòn. Đến năm 1895, Nam Kỳ có 200 xưởng thủ công và nhà máy xay, phần nhiều ở Sài Gòn-Chợ Lớn nhưng phần nhiều là xay tay; nhà máy xay chạy bằng hơi nước thì còn ít.

Từ đầu thế kỷ 20 đến Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Sài Gòn tiến lên một bước nữa về mặt kinh tế, cùng nhịp với miền Trung, miền Bắc khi toàn quyền Doumer mở đầu giai đoạn "đại khai thác" lần thứ nhất.

Năm 1901, làm đường xe lửa Sài Gòn-Nha Trang. Năm 1902, Pháp làm cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn. Năm 1903, làm đường tàu điện Sài Gòn-Gò Vấp, Sài Gòn-Chợ Lớn, Gò Vấp-Hóc Môn.

Người Đức đến Sài Gòn xây tám nhà máy xay lúa khá lớn cạnh tranh với người Hoa.

Nhà máy xay, nhà máy cưa, nhà máy nước đá, nhà máy đèn, nhà máy bia, nhà máy xà bông, nhiều xưởng in quan trọng, nhà máy làm đường, xưởng sửa tàu đóng thuyền, xưởng thuộc da, lò gạch ngói, lò nhuộm, xưởng mộc, xưởng dệt... đua nhau mọc lên và phát triển, quy mô chưa phải to lớn lắm nhưng dùng máy móc đã khá nhiều.

Xe lửa, xe điện, xe hơi, tàu sông, ghe chài, ghe rồi, việc vận tải nhộn nhịp. Số công nhân ở Sài Gòn năm 1906 lên đến 25.000 người, trong đó có cả ngàn thợ máy chuyên nghiệp. Riêng xưởng Ba Son tập hợp trên dưới 1.000 công nhân, nhà máy rượu Bình Tây 500.

Chính thức thành lập thành phố Sài Gòn

Ngày 8/1/1877, Tổng thống Pháp là Thống kế De Mac Mahon ký ban hành sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn, có Phó Đô đốc-Thượng nghị sỹ-Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa L.Fourichon Ký phó thự.

Sắc lệnh này được Thống soái Nam Kỳ Duperré công bố trên toàn cõi thuộc địa Nam Kỳ bởi nghị định ngày 16/5/1877.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ở quận 1 ngày nay. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sắc lệnh này được coi như một bản hiến chương của Thành phố gồm có chín chương, 78 điều quy định việc tổ chức quản lý thành phố. Từ đó Sài Gòn mới chính thức là thành phố.

Thi hành điều 77 Sắc lệnh nói trên, Thống soái Nam Kỳ cử Lamy, thầu khoán ngành Công chánh làm Đốc lý đầu tiên Thành phố Sài Gòn. Từ đó đến năm 1931, ngày thành lập Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn có 25 viên Đốc lý.

Thành lập thành phố Chợ Lớn

Về khu vực Chợ Lớn trước thuộc một số xã thôn của huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Khi người Pháp chiếm vùng này và sắp xếp nền hành chính, hầu hết các xã thôn cũ của huyện Tân Long đều được đặt thuộc hạt thanh tra Chợ Lớn.

Riêng khu vực bán nơi khu vực ngôi chợ trung tâm gọi là Chợ Lớn và các thôn bao quanh thuộc tổng Tân Phong Thượng được tách làm trung tâm đô thị Chợ Lớn (Center urbain de Chợ Lớn), trong các văn kiện đều dùng tên gọi "Ville de Chợ Lớn," thuộc quyền cai trị của viên Thanh tra hành chính bản xứ sự vụ hạt Chợ Lớn kiêm nhiệm.

Ngày 6-6-1865, Phó Đô đốc De Lagrandière ban hành Quyết định ấn định ranh giới tạm thời của Ville de Chợ Lớn.

Đến năm 1931 thì Chợ Lớn nhập với địa bàn thành phố Sài Gòn thành khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Thành lập khu Sài Gòn-Chợ Lớn

Ngày 27/4/1931 Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh nhập hai thành phố để thành lập Khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Đứng đầu là một viên Tham biện khu trưởng.

Tuy gọi là hợp nhất, nhưng tổ chức hai thành phố vẫn còn và vẫn gọi dưới tên Municipalité. Các viên Đốc lý, Hội đồng thành phố và Ủy ban thành phố của hai thành phố vẫn còn.

Chỉ về nhiệm vụ và quyền hạn có bị thu hẹp, vì đã chuyển giao những vấn đề quan trọng cho Khu trưởng. Qua cách tổ chức và điều hành theo Sắc lệnh này, có thể coi Khu Sài Gòn-Chợ Lớn lúc đó như một hình thức "liên bang."

Để có bộ máy thừa hành dưới quyền để thi hành sắc lệnh và nghị định nói trên, ngày 18/3/1932, Khu trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn ban hành Quyết định ấn định các nha sở và phân công chuyên trách gồm: Nha Hành chính, Nha Tài chính, Nha Y tế, Nha Kỹ thuật.

Cùng với việc tổ chức bộ máy hành chính, chính quyền khi đó bắt tay vào chỉnh trang địa bàn bằng việc đào lấp kênh rạch, ao đầm; ban hành các quy định về giao thông vận tải và đặt đổi tên một số đường.

Trong suốt 30 năm (1945-1975), cuộc sống của người dân thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt. Bộ mặt thành phố đã thay đổi, từ một thành phố lạc hậu lên một thành phố hiện đại, văn minh. Cụ thể:

Về giao thông-vận tải

Dưới thời Pháp thuộc, hầu hết các đường trong Đô thành và tỉnh Gia Định đều mang tên người Pháp, địa danh và sự kiện lịch sử Pháp.

Dưới thời chính quyền Bảo Đại cũng có đổi tên đường cũ hay đặt tên đường mới, nhưng rất hạn chế, phần nhiều là thay mới tên các vua quan nhà Nguyễn.

Đến khi lên nắm quyền trong tay, việc làm đầu tiên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong việc chỉnh trang thành phố và các khu vực ngoại thành là đổi tên các đường cũ của Pháp.

Với viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ đổ vào từng năm, đời sống giới công chức, giới quân nhân, giới công nhân, giới buôn bán, giới làm dịch vụ ở Đô thành và tỉnh Gia Định được nâng cao. Nhà cửa của dân chúng được xây dựng nhiều, biến những dãy nhà tôn lụp xụp ở mặt tiền các đường phố thành những dãy nhà phố khang trang cao tầng.

Dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục xây dựng những đường phố mới tại những khu vực mới được đô thị hóa để phục vụ ngành giao thông vận tải.

Nhờ có hệ thống đường sá dày đặc trong thành phố và từ thành phố nối liền với các tỉnh mà hoạt động của ngành giao thông vận tải của địa bàn phát triển rất mạnh.

Năm 1956, ở miền Nam có tổng số chiều dài đường bộ là 13.794km, năm 1965 đã tăng lên 20.127km, trong đó có 5.582km đường rải nhựa. Nhưng đến năm 1973, tổng chiều dài đã lên đến 10.930km, trong đó có 6.751km rải nhựa.

Tất cả các đường từ các tỉnh đều quy về Đô thành Sài Gòn. Phương tiện vận chuyển trên bộ ngày càng phong phú và tân tiến hơn.

Về kiến trúc đô thị

Đô thành Sài Gòn, từ một thành phố nghèo nàn với một số dinh thự người Pháp xây dựng trước năm 1945, tập trung trên địa bàn Quận 1, Quận 3, với một số ít ngôi biệt thự, ngôi nhà một, hai tầng lầu, một số phố xá tấp nập ở đường Đồng Khởi, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, đường Hàm Nghi, đường Pasteur, đường Lý Tự Trọng, đường Lê Thánh Tôn, đường Lê Lai, đường Trần Hưng Đạo vùng Sài Gòn và đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Đồng Khánh (nay là đường Trần Hưng Đạo), đường Phùng Hưng, khu chợ Bình Tây vùng Chợ Lớn, còn lại toàn là nhà trệt, nhà cấp 4, tường gạch, lợp ngói âm dương cũ kỹ rêu phong, hoặc vách phên, vách ván lợp tranh, lợp tôn, đã trở thành một thành phố hiện đại, đường sá tráng nhựa, rộng thênh thang, chằng chịt “như mạng nhện.”

Về tiểu thủ công nghiệp

Ngành tiểu thủ công nghiệp miền Nam nói chung, Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nói riêng, từ sau năm 1954 đến năm 1975 phát triển rất mạnh, đa dạng, đa chủng loại.

Có thể nói trong mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, về tinh thần cũng như vật chất, ngành tiểu thủ công nghiệp đều đáp ứng được phần lớn.

Một số ngành tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu có tại thành phố như thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, dệt thủ công, làm giấy, đồ gỗ, may mặc…

Về công nghiệp

Dưới thời Pháp thuộc, trên địa bàn Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã có sẵn một số nhà máy hoạt động. Các nhà máy này của chính quyền thực dân Pháp, của các nhà tư bản Pháp, của các nhà tư sản Hoa kiều và của người Việt.

Do hiệp ước Pau ký năm 1949 tại Paris và hiệp ước Việt-Pháp ký tại Sài Gòn năm 1958, các xí nghiệp của người Pháp vẫn được tiếp tục hoạt động, vẫn được dùng công nhân Pháp và người Việt như cũ.

Trong giai đoạn này, nhiều nhà máy tư nhân chẳng những của người trong nước mà cả những người nước ngoài lần lượt ra đời. Thời gian sau nhiều công ty liên doanh lớn được thành lập.

Các ngành công nghiệp tiêu biểu của Sài Gòn giai đoạn này là: Công nghệ xay xát chế biến lương thực; đồ uống; sản xuất đường; thuốc lá, đồ hộp; bột ngọt; thuộc da; dệt; luyện kim, dược phẩm…

Về thương mại-xuất nhập khẩu

Trên địa bàn thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn và tỉnh Gia Định, trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1963 có một nền thương mại khá phát triển.

Xe vận tải từ các tỉnh chạy về Sài Gòn được thông suốt nên thương mại phát triển nhanh chóng. Hàng hóa tràn ngập các cửa hiệu, các đường phố, các trung tâm thương mại, các chợ, từ nội thành ra vùng nông thôn thôn.

Chợ Bến Thành thuộc quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trước năm 1975, thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, có quan hệ buôn bán với trên 40 nước trên thế giới. Các nhà xuất nhập khẩu thường được phép đi nước ngoài để tìm hiểu thị trường, giá cả hàng hóa, giới thiệu sản phẩm trong nước và đặt mối liên hệ làm ăn buôn bán với thương gia nước ngoài.

Họ thường nhận được những thông tin kinh tế từ nước ngoài một cách chính xác và nhanh chóng, nhất là từ Hong Kong, Singapore. Đến năm 1975, tại Sài Gòn-Chợ Lớn đã có đến 300 văn phòng đại diện của các hãng xuất nhập khẩu nước ngoài.

Về văn hóa-xã hội

Trong giai đoạn khoảng năm 1954, hoạt động của ngành văn hóa trên địa bàn thành phố rất phong phú nhưng tương đối “yên tĩnh.” Mọi loại hình hoạt động văn hóa đều được tự do. Việc ra báo, xuất bản sách, viết báo, viết sách được dễ dàng. ​

Từ sau năm 1954, báo chí ở Sài Gòn hoạt động rất mạnh. Nhà in tư nhân nhiều, giấy in báo nhập vào dồi dào nên việc xuất bản báo chí không mấy khó khăn. Người dân Sài Gòn-Gia Định lại rất ham đọc báo. Từ nhà trí thức, giáo sư, công chức, tư chức đến các tầng lớp lao động, mỗi buổi sáng lúc nào cũng có tờ báo trong tay.

Sau năm 1954, nền giáo dục ở miền Nam nói chung, Sài Gòn-Gia Định nói riêng thoát khỏi sự chi phối của nền giáo dục Pháp, nhưng lại đặt vào quỹ đạo của giáo dục Mỹ.

Người Mỹ áp dụng chính sách thực dân mới, không trực tiếp nắm các cơ quan xuống đến các trường với chức Giám đốc, Hiệu trưởng, Thanh tra như người Pháp, họ chỉ dùng hình thức viện trợ và cố vấn, đứng ngoài để chỉ huy từ cấp bộ trong việc soạn thảo chương trình, quy định hệ thống giáo dục, bằng cấp thi cử.

Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2010)

Giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2010), Thành phố Hồ Chí Minh đã gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Phát triển theo chiều sâu (2011-2020)

Giai đoạn phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011-2020), tăng trưởng kinh tế thành phố đạt bình quân 6,86%/năm, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước (5,96%) và cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (6,31%).

Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 - tập trung đổi mới sáng tạo (2021-2025)

Giai đoạn 2021-2025, toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã kiên cường vượt qua đại dịch COVID-19, tập trung thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra, đồng thời tạo dựng các cơ sở nền tảng để thành phố phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh bên Sông Sài Gòn, khu vực Bến Nhà Rồng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong giai đoạn 2026-2030, “Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030” xác định: Tiếp tục phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát huy tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố,” thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Các trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu của thành phố dựa trên các ngành thương mại-dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hiện đại, kinh tế biển bền vững, gắn với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên cơ sở các đột phá: Trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; Trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển; Trong phát triển công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược./.

Vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Tân Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)