LHQ phản đối di dời dân thường khỏi Rafah khi Israel chuẩn bị tấn công Hamas
Liên hợp quốc cho biết "không muốn thấy bất kỳ sự di dời cưỡng bức, hay còn gọi là sự di dời hàng loạt bắt buộc, trái với ý muốn của người dân" ở Rafah thuộc Dải Gaza.
Liên hợp quốc ngày 9/2 khẳng định dân thường Palestine ở Rafah thuộc Dải Gaza cần được bảo vệ và không nên bị bắt buộc tham gia bất cứ cuộc di dời hàng loạt nào.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Israel lên kế hoạch sơ tán người dân để tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm vào phong trào Hamas.
Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, khẳng định cơ quan này lo lắng về số phận của người dân Rafah.
Liên hợp quốc không muốn thấy bất kỳ sự di dời cưỡng bức, hay còn gọi là sự di dời hàng loạt bắt buộc, trái với ý muốn của người dân. Liên hợp quốc không ủng hộ việc cưỡng bức di dời dưới bất kỳ hình thức nào, do điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu quân đội nước này lên kế hoạch kép về việc sơ tán thường dân ở Rafah và tiếp tục chiến dịch quân sự tại đây.
Hiện hơn một nửa dân số trong tổng số 2,3 triệu người ở Dải Gaza đang trú ẩn ở Rafah, nhiều người bị dồn vào hàng rào biên giới với Ai Cập và sống trong lều bạt tạm bợ.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết thêm "mật độ dân số chưa từng có của Rafah khiến việc bảo vệ dân thường trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công trên bộ gần như không thể thực hiện được."
Cũng trong ngày 9/2, Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) khẳng định Israel đã bác một nửa số đề nghị cứu trợ của cơ quan này đối với khu vực phía Bắc Dải Gaza.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini cho biết "kể từ đầu năm (2024), một nửa trong số những đề nghị cứu trợ được đưa ra đối với khu phía Bắc đã bị từ chối."
Cũng theo ông Lazzarini, Liên hợp quốc xác định được những khu vực đang bị nạn đói hoành hành ở phía Bắc Gaza, nơi người dân được cho đang bên bờ vực của nạn đói.
Ông cho biết thêm gần 300.000 người Palestine ở khu vực này chỉ dựa vào cứu trợ của UNRWA để sống sót, đồng thời lưu ý rằng việc tiếp cận hoạt động cứu trợ nhân đạo thiết yếu đang bị phong tỏa.
Trong khi đó, truyền thông Palestine cho biết nguồn bột mỳ và các sản phẩm phái sinh, gạo và đồ ăn đóng hộp đã cạn kiệt tại Gaza, trong khi nguồn cung thực phẩm, nước sạch và chất dinh dưỡng từ bên ngoài cũng bị Israel chặn lại.
Theo thống kê mới nhất của Hamas, số người Palestine thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột với Israel bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái đã tăng lên 27.947 người./.