LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc

Chủ tịch Cơ chế chuyên gia Liên hợp quốc về quyền phát triển đánh giá phân biệt chủng tộc là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện quyền được phát triển.

Chủ tịch Cơ chế chuyên gia Liên hợp quốc về quyền phát triển, ông Mihir Kanade (giữa). (Nguồn: Twitter)

Một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc ngày 16/9 đã trình bày báo cáo chuyên đề nêu rõ những tác động tiêu cực của nạn phân biệt chủng tộc đối với quyền phát triển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn vấn đề này dưới mọi hình thức cũng như đấu tranh chống bất bình đẳng.

Chủ tịch Cơ chế chuyên gia Liên hợp quốc về quyền phát triển, ông Mihir Kanade, đã trình bày báo cáo trên trước phiên họp lần thứ 51 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ).

Ông cho biết các chuyên gia hy vọng báo cáo sẽ giúp giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và những trở ngại mà vấn đề này gây ra đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trên toàn thế giới.

Ông Kanade giải thích phân biệt chủng tộc là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện quyền được phát triển.

Trong khi đó, bất bình đẳng dựa trên chủng tộc đã không nhận được sự quan tâm như các dạng bất bình đẳng khác được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Theo các nghiên cứu được nêu trong báo cáo, ở Anh, nữ giới và nam giới gốc Phi lần lượt có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 4,3 và 4,2 lần so với những người da trắng.

Trong khi đó, dữ liệu từ Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người Mỹ gốc Phi cao hơn 2 lần so với các nhóm chủng tộc khác trong nước. Người gốc Phi ở Mỹ có tuổi thọ thấp hơn đáng kể so với người da trắng.

[Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng gia tăng tội ác thù hận tại Mỹ]

Tại Australia và Canada, các dân tộc bản địa cũng có tuổi thọ ngắn hơn đáng kể so với các nhóm sắc tộc khác.

Tương tự, báo cáo cho thấy người Digan trên khắp châu Âu có tuổi thọ trung bình ít hơn từ 5 đến 20 năm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thuộc tộc người này cao gấp 2 đến 3 lần so với dân số chung.

Theo báo cáo, khi các xã hội ngày càng trở nên đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa, cần phải đầu tư nhiều hơn vào tính toàn diện và gắn kết để khai thác lợi ích của sự đa dạng cho toàn thể nhân loại thay vì coi đó là một mối đe dọa.

Ông Kanade nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tái khẳng định cam kết đối với các quyền phổ biến của con người và các giá trị được chia sẻ nhằm bảo vệ sự bình đẳng cũng như phẩm giá của tất cả trong và ngoài khuôn khổ quyền phát triển./.

Trung Khánh (TTXVN/Vietnam+)