Lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Nga gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu

Nga cảnh báo lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với lĩnh vực năng lượng của Nga có nguy cơ gây bất ổn cho các thị trường dầu mỏ và năng lượng toàn cầu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/1 tuyên bố vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với lĩnh vực năng lượng của Nga có nguy cơ gây bất ổn cho các thị trường dầu mỏ và năng lượng toàn cầu và Moskva sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tác động.

Trả lời họp báo thường kỳ, ông Peskov nhấn mạnh, rõ ràng Washington đang cố làm suy yếu các công ty Nga. Ông cũng cho biết Moskva sẽ theo dõi tình hình và giúp các công ty Nga thích nghi.

Trước đó, ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt rộng hơn đối với dầu của Nga, nhắm vào các nhà sản xuất Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cũng như 183 tàu đã vận chuyển dầu của Nga. Lệnh trừng phạt của Mỹ hướng tới một số đối tượng năng lượng nổi bật của Nga, cụ thể:

Trực tiếp nhắm vào các công ty vận chuyển lớn: Lần đầu tiên, Mỹ trực tiếp nhắm vào hai công ty vận chuyển dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz. Hai công ty này đã vận chuyển khoảng 970.000 thùng dầu mỗi ngày bằng đường biển trong năm 2024, một con số đáng kể hơn cả lượng cung thặng dư toàn cầu dự kiến cho năm 2025.

Mở rộng danh sách tàu chở dầu bị trừng phạt: Các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với 183 tàu mà chính phủ Mỹ tin rằng là một phần của "hạm đội bóng tối" của Nga, được cho là dùng để trốn tránh các lệnh trừng phạt hiện hành đối với hoạt động vận chuyển dầu của Nga.

Siết chặt hoạt động bảo hiểm hàng hải: Lệnh trừng phạt cũng nhắm vào hai nhà cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường tàu chở dầu lớn nhất của Nga là Ingosstrakh và Alfastrakhovanie. Điều này có thể buộc nhiều tàu chở dầu bao gồm cả đội tàu của Nga phải rời khỏi thị trường bảo hiểm chính thống, làm tăng thêm các rủi ro về an toàn hàng hải.

Hạn chế dịch vụ dầu khí: Các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động tại Nga trước ngày 27/2/2025. Mặc dù tác động ngắn hạn có thể không đáng kể do Nga đã chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp trong nước, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án mới, đặc biệt là các dự án đòi hỏi công nghệ tiên tiến ở Bắc Cực và ngoài khơi.

Đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt, nhắm mục tiêu nhằm cắt giảm doanh thu từ ngành kinh tế huyết mạch của Nga, khiến nước này có thể chịu thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng./.