Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc

Tất cả các thế hệ học sinh miền Nam được đưa ra Bắc học tập đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng buổi lễ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 26/10, Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc Bác Hồ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành; đại diện các địa phương nơi có học sinh miền Nam học tập cùng hơn 500 thầy, cô giáo tham gia giảng dạy học sinh miền Nam và 3.000 đại biểu là thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Tại buổi lễ, thay mặt Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đọc diễn văn tổng kết 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Cách đây 70 năm, năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam-Bắc, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ.

Vì vậy, cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa một số lượng không nhỏ thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ, chiến sỹ ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước.

Mặt khác, các cán bộ, chiến sỹ cách mạng còn ở lại miền Nam cũng sẽ yên lòng chiến đấu khi biết rằng con em mình đang ở trong “vòng tay” của Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, được chăm sóc chu đáo, được học hành bài bản.

Cuộc tập kết, chuyển quân lịch sử của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, để rồi từ đó những thế hệ học sinh miền Nam đầu tiên ra đời.

Tất cả các thế hệ học sinh miền Nam được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ đưa ra Bắc học tập bằng nhiều con đường khác nhau như tàu thủy hay vượt Trường Sơn đều đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Các thế hệ học sinh miền Nam luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác là phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành.

Vâng lời Bác, các thầy cô giáo đã đào tạo học sinh miền Nam toàn diện, trước hết là học làm người, rèn luyện nhân cách, đặc biệt là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho công việc chung.

Từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hàng trăm học sinh miền Nam vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường vào Nam chiến đấu.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Vài năm sau đó, hàng ngàn học sinh miền Nam tốt nghiệp đại học, nhất là các ngành y dược, sự phạm, thông tin liên lạc tiếp tục trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mãi mãi là những tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là cho học sinh miền Nam noi theo.

Những học sinh miền Nam ở lại miền Bắc hoặc tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về tiếp tục vào Bộ đội, Công an và các ngành thiết yếu, tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện cho miền Nam.

Ngay từ những ngày tháng đầu khi miền Nam được giải phóng, đa số học sinh miền Nam đã trưởng thành trở về miền Nam, tham gia tiếp quản và xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trở thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục nỗ lực, tận tụy và sáng tạo trong nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Nhiều đồng chí trở thành nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều doanh nhân thành đạt, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an...

Đặc biệt, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc đưa hơn 30.000 thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc và thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954-1975 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đối với con em đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam thân yêu.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định sự kiện cán bộ, chiến sỹ, học sinh, thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc, lắng đọng trong tâm khảm, trong trái tim của biết bao thế hệ người dân đất Việt Nam. Đây là biểu tượng sáng ngời của chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Đây là kết quả của đường lối phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách; là biểu tượng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình đồng chí yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là minh chứng về niềm tin tưởng tuyệt đối của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ, với Đảng, với Nhà nước...

Việc thành lập hệ thống Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong sự nghiệp trồng người, ươm những hạt giống cao quý, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới.

“Trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta đã dành những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, về cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó để ưu tiên cho học sinh miền Nam. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được sự chăm sóc, sự nuôi dạy tận tình của thầy cô giáo, cùng với sự cố gắng vươn lên của bản thân mỗi học sinh miền Nam, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà,” chúng ta đã đào tạo, rèn luyện được lớp người có tài năng và trí tuệ, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc,” đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định: Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta tiếp tục được nâng lên, là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thể hiện quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất để tăng tốc, về đích nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận có liên quan đến phát triển văn hóa, con người; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử, thêm tự hào và vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ cũng như các vị tiền bối cách mạng đã lựa chọn. Chúng ta tin tưởng rằng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc,” chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hiện thực hóa mục tiêu 100 năm mà Đảng ta đã xác định tạo nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng mong muốn và tin tưởng rằng các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để các thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo.

Trong tâm trạng xúc động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã đọc những câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Nhớ con sông quê hương” của Nhà thơ Tế Hanh để gửi gắm tình cảm đến các học sinh miền Nam trên đất Bắc:

“Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam.”

Tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương thay mặt các thế hệ học sinh miền Nam trân trọng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố nơi có các Trường học sinh miền Nam học tập đã giúp đỡ, chở che, nuôi dạy các thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành, phát triển.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định các thế hệ học sinh miền Nam mãi mãi nhớ ơn Đảng, Bác Hồ đối với sự nghiệp dạy dỗ, sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn cũng thông tin về kết quả xây dựng biểu tượng con tàu đưa học sinh, thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, đồng thời khẳng định đây là biểu tượng nhân văn, đẹp đẽ, có ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau…/.