Lễ khai mạc Paralympic Paris 2024: Rộng mở để hòa nhập hơn

Vẫn do Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly dàn dựng, Paralympic Paris 2024 một lần nữa phá vỡ tính truyền thống của các nghi lễ khai mạc khi được tổ chức ở trung tâm Paris chứ không phải ở sân vận động.

(Nguồn: Olympic)

Hôm nay 28/8, tại quảng trường Concorde ở thủ đô Paris, lễ khai mạc Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic Paris 2024) diễn ra lúc 20 tối (tức là 1h sáng 29/8 giờ Việt Nam) với những màn trình diễn chưa từng thấy trước đây và cũng không kém phần sôi động, hấp dẫn so với lễ khai mạc Olympic trên sông Seine.

Sau thành công của lễ khai mạc Olympic, giờ là lúc Thế vận hội Paralympic Paris 2024 tỏa sáng.

Vẫn do Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly dàn dựng, buổi lễ một lần nữa phá vỡ tính truyền thống của các nghi lễ khai mạc, khi được tổ chức ở trung tâm Paris chứ không phải ở sân vận động như thường lệ.

Với chủ đề "Cuộc diễu hành," lễ khai mạc là màn di chuyển từ Khải hoàn môn qua Đại lộ Champs-Elysées huyền thoại đến quảng trường Concorde của 184 đoàn thể thao với 4.400 vận động viên khuyết tật, trong đó có gần 2.000 vận động viên nữ.

Theo Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC), đây là những con số kỷ lục kể từ khi ra đời Paralympic.

Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam có 14 thành viên do Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh làm trưởng đoàn. Hai vận động viên Lê Văn Công và Châu Hoàng Tuyết Lan vinh dự rước quốc kỳ, dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam tham dự sự kiện.

Trong phần diễu hành, công chúng có thể được tự do tiếp cận và ngắm nhìn các đoàn vận động viên từ hai bên đường và từ các tòa nhà dọc đại lộ Champs-Elysées.

Riêng phần trình diễn nghệ thuật của lễ khai mạc chính thức, được tổ chức ở quảng trường Concorde, trên sân khấu rộng 4.500m2, được bao quanh bởi 4 khán đài, chỉ khách mời và khán giả có vé mới được vào xem. Mức giá vé đêm khai mạc dao động từ 150-700 euro.

Chương trình nghệ thuật do biên đạo múa người Thụy Điển Alexander Ekman dẫn dắt hứa hẹn những màn trình diễn độc đáo, hoành tráng và ngoạn mục.

Nổi tiếng với những tác phẩm phối cảnh quy mô lớn cho các vở opera và nhạc kịch, ông đặc biệt nổi bật với phiên bản vở ballet Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky, dựng năm 2014.

Biên đạo múa Ekman coi lễ khai mạc Paralympic là một sự kiện lễ hội đặc biệt với sự tham gia của các vũ công khuyết tật. Chia sẻ với báo giới, ông đã không giấu sự thán phục: “Họ thật tuyệt vời! Họ có năng lực hơn nhiều người khỏe mạnh, cả về tinh thần lẫn thể chất.”

Biên đạo múa Alexander Ekman. (Nguồn: Le Monde)

Phần âm nhạc phối khí được giao cho Victor Le Masne, tác giả của "Parade," bản nhạc chính thức của Olympic.

Phục trang của các diễn viên trong đêm khai mạc Paralympic được giao cho nhà tạo mẫu và người dẫn chương trình truyền hình Daphné Bürki.

Bà cũng chính là người chịu trách nhiệm phần phục trang của các buổi lễ khai mạc và bế mạc Olympic Paris 2024.

Một phần không thể thiếu trong lễ khai mạc là sự kiện châm đuốc. Ngày 24/8, tại Stoke Mandeville (cách thủ đô London của nước Anh 65km), nơi lần đầu tiên Paralympic được tổ chức vào năm 1948, ngọn đuốc Paralympic đã được thắp lên và được 24 vận động viên Anh bàn giao cho 24 vận động viên Pháp rước qua eo biển Manche để đưa sang Pháp.

Đến Calais vào ngày 26/8, bằng hình thức trực tuyến, ngọn lửa đã thắp sáng 12 ngọn đuốc khác trên toàn nước Pháp (tại Calais, Valenciennes, Amnéville, Strasbourg, Thonon-les-Bains, Antibes-Juan-les-Pins, Montpellier, Lourdes, La Roche-sur-Yon, Lorient, Saint-Malo và Rouen), tượng trưng cho 12 ngày diễn ra Thế vận hội Paralympic mùa Hè đầu tiên được tổ chức tại nước này.

Một cuộc chạy tiếp sức với sự tham gia của 1.000 người sẽ rước đuốc qua các tỉnh của vùng Île-de-France trước khi diễu hành trên các đường phố Paris vào ngày khai mạc 28/8.

Theo Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic (Cojop), trong số những người rước đuốc ở thủ đô Paris vào ngày khai mạc Thế vận hội Người khuyết tật có siêu sao võ thuật Trung Quốc Thành Long và một số nhân vật nổi tiếng của Pháp như nữ diễn viên Elsa Zylberstein, diễn viên hài Jarry và biên đạo múa Benjamin Millepied, phi hành gia Jean-François Clervoy, rapper Georgio...

(Nguồn: Olympic)

Đặc biệt nhiều vận động viên Paralympic sẽ thay phiên nhau rước đuốc, trong đó có Yannick Ifebe (môn đấu kiếm trên xe lăn), Clavel Kayitare (vận động viên điền kinh), Marie Graftiaux, John Petersson và Duane Kale (vận động viên bơi lội).

Nữ vận động viên điền kinh Pháp Cyréna Samba-Mayela, huy chương Bạc nội dung 110m vượt rào tại Olympic, cùng Ryadh Sallem, thành viên đội bóng bầu dục xe lăn của Pháp được chọn để thắp sáng chiếc vạc lửa vào đêm khai mạc.

Chiếc vạc lửa, đã từng tỏa sáng trên bầu trời Paris mỗi đêm trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic sẽ được thắp sáng trở lại để phục vụ Thế vận hội Paralympic từ ngày 29/8-8/9.

Công chúng lại có thể tiếp cận với công trình sáng tạo tuyệt vời này của nhà thiết kế người Pháp Mathieu Lehanneur từ 10h đến 19h tại vườn hoa Tulerie. Một quả khinh khí cầu sẽ đưa chiếc vạc lửa bay lên trên bầu trời Paris hằng đêm, trong khoảng thời gian từ 21h đến 2h sáng.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Gérald Darmanin, để đảm bảo an toàn cho 50.000 khán giả chứng kiến trực tiếp buổi lễ, trong đó 35.000 người ngồi trên khán đài và 15.000 người đứng dọc đại lộ Champs-Elysées, 15.000 cảnh sát đã được huy động trong ngày khai mạc.

Ông cũng cho biết một vành đai an ninh nội bộ và chống khủng bố (SILT) đã được thiết lập xung quanh quảng trường Concorde, đại lộ Champs-Elysées và vườn hoa Tuileries.

Lần thứ hai trong lịch sử Thế vận hội dành cho người khuyết tật, lễ khai mạc sẽ được tổ chức bên ngoài sân vận động - tại Quảng trường Concorde. (Nguồn: Olympic)

Paralympic Paris 2024 diễn ra trong bối cảnh khai giảng năm học mới ở Pháp và đời sống chính trị trong nước cũng sôi động trở lại với những cuộc tranh cãi chưa có hồi kết để tìm kiếm một vị thủ tướng có thể làm hài lòng tất cả các bên, tiến tới thành lập một chính phủ mới.

Các bản tin thời sự vẫn phát đi thông tin về một thế giới với những xung đột và bất ổn xảy ra ở nhiều nơi...

Bất chấp những mối lo bộn bề của cơm, áo, gạo, tiền, người dân Pháp vẫn đang đón đợi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật, lần đầu tiên được tổ chức trên quê hương của họ. Dự kiến, khoảng 4 triệu lượt người sẽ xem các trận thi đấu, trong đó 90% là người Pháp.

Tony Estanguet, Chủ tịch Ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris 2024, khẳng định: “Đến với Thế vận hội Paralympic mùa Hè đầu tiên ở Pháp, mọi người sẽ đắm chìm trong những dòng cảm xúc của thể thao và Paris 2024 sẽ truyền tải thông điệp đẹp đẽ nhất, đó là thế vận hội hướng tới một xã hội hòa nhập hơn.”

Hy vọng hàng nghìn vận động viên khuyết tật sẽ vượt lên chính mình, mang lại niềm đam mê thể thao tới toàn thế giới bằng những màn thi đấu ấn tượng và đẹp mắt.

Nước Pháp đã chọn khẩu hiệu "Games Wide Open" cho Olympic và Paralympic 2024, với tinh thần rộng mở để hòa nhập hơn, hữu nghị hơn và đẹp tươi hơn. Và tinh thần ấy một lần nữa sẽ được thắp lên với ngọn lửa Paralympic 2024./.