Lấy ý kiến 50 triệu lượt trẻ em về các vấn đề trẻ đặc biệt quan tâm

Trung ương Đoàn đặt mục tiêu đến năm 2027, ít nhất 50 triệu lượt trẻ em được lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề mà các em quan tâm thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Đến năm 2027, có ít nhất 5 triệu thiếu niên trong các liên đội trung học cơ sở được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; có ít nhất 50 triệu lượt trẻ em được lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội.

Đây là một trong những chỉ tiêu cụ thể được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặt ra trong Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2023-2027 vừa được Trung ương Đoàn công bố.

Mục tiêu chung của đề án nhằm nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em cho cán bộ, đoàn viên, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, người chăm sóc trẻ và trẻ em.

[Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam]

Đề án cũng nhằm xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em.

Đề án nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các hoạt động này nhằm tạo môi trường thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào những hoạt động, chương trình do tổ chức Đoàn, Hội, Đội thực hiện; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đóng góp vào việc xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến những vấn đề của trẻ em.

Đề án cũng nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có môi trường học tập, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, được tham gia tìm hiểu về quyền và bổn phận của mình phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức, giúp trẻ em nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm của bản thân mình đối với sự phát triển của chính mình.

Đề án đặt chỉ tiêu cụ thể là 100% các tỉnh, thành Đoàn thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, hằng năm tổ chức cho trẻ em tham gia các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; tổ chức hoạt động lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em vào các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình công tác có liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.

Một trong những giải pháp quan trọng của đề án là nâng cao nhận thức cho trẻ em về quyền trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

100% các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn cấp huyện tổ chức tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em hằng năm; 100% cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội được tập huấn về kỹ năng làm việc với trẻ em hằng năm.

Đối với các huyện, thị, thành Đoàn, 100% các đơn vị này tổ chức hoạt động cho trẻ em tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo địa phương cùng cấp.

Đối với liên đội, 100% liên đội tổ chức hoạt động lấy ý kiến trẻ em trong các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường và tổ chức các hoạt động gắn tuyên truyền về Luật trẻ em; quyền tham gia của trẻ em trong năm học.

Để thực các mục tiêu trên, đề án đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tham gia của trẻ em; tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho cán bộ phụ trách thiếu nhi và trẻ em về quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và tổ chức các hoạt động lấy ý kiến, kiến trị của trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể cơ quan, tổ chức để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và kinh phí hỗ trợ của một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong từng hoạt động cụ thể và vận động nguồn xã hội hóa./.

Phạm Mai (Vietnam+)