Lập kế hoạch đầu tư ngân sách chưa sát với khả năng thực hiện

Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được đánh giá là chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Sáng nay 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Tiết kiệm 53.887 tỷ đồng 

Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 là 53.887 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng).

Đặc biệt, kết quả của việc tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao như: Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng...

Trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời...

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Do đại dịch COVID-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…còn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trong năm 2022, ngành thanh tra cả nước đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574 ha đất.

Ngành thanh tra đã tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 3.440 tỷ đồng, 32 ha đất; xử lý hành chính đối với 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng…

[Ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí]

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1658 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...

Kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện

Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết cơ quan này cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; tiết kiệm triệt để chi ngân sách Nhà nước, cắt, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều Bộ, ngành, địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bình Dương...

Trong năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông cơ bản được khắc phục, tốc độ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, tiết kiệm trên 8.546 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo thẩm tra chỉ ra rằng việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực..

Trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiênm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Chính phủ cần công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

PV (Vietnam+)