Lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với vị Giáo hoàng được ngưỡng mộ vì lòng nhân ái, sự khiêm nhường và cam kết với công bằng xã hội.
Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis ở tuổi 88 đã khiến cả thế giới xúc động.
Từ châu Âu đến châu Á, châu Phi đến châu Mỹ, các nhà lãnh đạo quốc tế đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với vị Giáo hoàng được ngưỡng mộ vì lòng nhân ái, sự khiêm nhường và cam kết với công bằng xã hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Joe Biden đã dẫn đầu đoàn đại biểu đến viếng Đức Giáo hoàng Francis.
Chia sẻ trên nền tảng Truth Social, ông Trump viết: “Hãy yên nghỉ Đức Giáo hoàng Francis! Cầu xin Chúa ban phước cho ngài và tất cả những ai yêu mến ngài!”
Cựu Tổng thống Joe Biden - người Công giáo thứ hai giữ cương vị Tổng thống Mỹ (sau John F. Kennedy) - đã ca ngợi Giáo hoàng là “một nhà lãnh đạo không giống bất kỳ ai trước ngài.”
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng chia sẻ: "Chúng tôi đoàn kết cầu nguyện với những người Công giáo trên toàn thế giới và cho giai đoạn chuyển tiếp này của Giáo hội Công giáo."
Nhiều lãnh đạo Quốc hội Mỹ như Thượng nghị sỹ Chuck Schumer và Hạ nghị sỹ Hakeem Jeffries cũng đều ca ngợi sự phục vụ khiêm nhường của Giáo hoàng đối với người nghèo, nhấn mạnh di sản tinh thần mà ngài để lại.
Từ quê hương Argentina của Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Javier Milei - dù từng có những bất đồng công khai với Giáo hoàng - vẫn dành những lời ca ngợi đầy chân thành. Tổng thống Milei cho biết nước này cũng sẽ tổ chức quốc tang kéo dài 7 ngày.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng đã ra sắc lệnh để tang 7 ngày trên toàn quốc, đồng thời bày tỏ rằng nhân loại đã mất đi một tiếng nói đầy tôn trọng và bao dung.
Cuba cũng dành sự tiếc thương đặc biệt. Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez thay mặt chính phủ gửi lời chia buồn tới cộng đồng Công giáo quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng nhân dân Cuba luôn ghi nhớ những chuyến thăm của Giáo hoàng Francis và sự gần gũi mà ngài thể hiện.
Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Tư pháp Felix Bolanos cho biết nước này sẽ tổ chức quốc tang trong 3 ngày.
Ông bày tỏ sự trân trọng đối với 12 năm cải cách của Giáo hoàng, cho rằng những nỗ lực đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của Giáo hội.
Ông cũng cho rằng Giáo hoàng Francis đã dành trọn cuộc đời để bảo vệ người yếu thế, cũng như không ngừng đấu tranh chống lại nhiều mặt tối của xã hội như bất công và biến đổi khí hậu.
Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Keir Starmer gọi Đức Giáo hoàng là "người lãnh đạo dũng cảm," người "không bao giờ mất hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn."
Các cơ quan Chính phủ Anh treo cờ rủ trong 1 ngày để tưởng niệm.
Vua Charles III cũng gửi lời chia buồn, cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis và xúc động khi nhớ lại cuộc gặp gần đây với ngài tại Vatican. “Ngài đã chạm đến cuộc sống của rất nhiều người một cách sâu sắc,” Nhà vua phát biểu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ghi nhận sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng trong các lời cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine.
“Chúng tôi đau buồn cùng với toàn thể cộng đồng Công giáo và tất cả những người theo đạo Thiên chúa,” ông viết trên mạng xã hội.
Tổng thống Hungary Viktor Orban cũng bày tỏ sự kính trọng bằng lời vĩnh biệt ngắn gọn: “Cảm ơn vì mọi thứ, Đức Thánh Cha. Chúng con xin vĩnh biệt ngài”Chủ tịch Liên minh châu Phi Mahmoud Ali Youssouf, ca ngợi Giáo hoàng Francis là “tiếng nói đạo đức cao cả của thời đại,” người đã ủng hộ mạnh mẽ hòa bình và nhân phẩm, đặc biệt trên lục địa châu Phi.
Tại châu Á, nhiều chính trị gia Hàn Quốc từ các đảng phái khác nhau đã đồng loạt gửi lời chia buồn. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik gọi Đức Giáo hoàng là “người bạn của người nghèo,” trong khi các lãnh đạo và cựu lãnh đạo từ đảng Dân chủ đối lập (DP) và đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đều ca ngợi cuộc đời và thông điệp nhân ái của Giáo hoàng, đồng thời cam kết tiếp tục lan tỏa những giá trị về lòng trắc ẩn, công bằng và phục vụ người yếu thế trong xã hội.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ca ngợi trái tim rộng mở khi ông bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự ra đi của Giáo hoàng. Đây cũng là quốc gia duy nhất có đa số dân theo Công giáo ở Đông Nam Á.
Giáo hoàng Francis, sinh ra tại Argentina với tên Jorge Mario Bergoglio, là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh và nổi bật với tinh thần cải cách, cam kết bảo vệ người nghèo và môi trường, cùng tầm nhìn về một Giáo hội gần gũi hơn. Giáo hoàng Francis đã qua đời chỉ 1 ngày sau khi xuất hiện trước công chúng tại lễ Phục Sinh./.