Lắng nghe ý kiến người dân để giải quyết công việc hiệu quả
Các tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được thông suốt, hiệu quả, phấn đấu không để xảy ra tình trạng gián đoạn.
Từ ngày 1/7, các tỉnh, thành trong cả nước bước vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được thông suốt, hiệu quả, phấn đấu không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn tại các đơn vị hành chính mới.
Khánh Hòa: Tạo sự thoải mái, hài lòng
Tỉnh Khánh Hòa có 65 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 48 xã, 16 phường và 1 đặc khu, trải dài từ đô thị đến nông thôn, miền núi đến vùng biển, đảo.
Trong ngày làm việc đầu tiên, guồng máy của chính quyền hoạt động thông suốt, các thủ tục được giải quyết nhanh, gọn, tạo sự thoải mái, hài lòng cao cho nhân dân.
Phường Nha Trang được thành lập từ các phường thuộc thành phố Nha Trang cũ: Vạn Thạnh, Lộc Thọ, Vĩnh Nguyên, Tân Tiến, Phước Hòa, khiến khối lượng giải quyết công việc của cán bộ công, viên chức của phường sau sáp nhập tăng cao.
Từ nhiều ngày trước, cán bộ, công chức các phường được tập huấn công tác xử lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nên đến nay đã quen dần.
Chị Hồ Thị Bích Ngọc (phường Tân Tiến cũ và nay thuộc phường Nha Trang) cho biết chị bị thất lạc giấy khai sinh bản gốc, nay cần giải quyết công việc riêng nên chị phải làm lại giấy tờ. Chị đánh giá cao tinh thần làm việc của cán bộ tại phường, công việc được giải quyết nhanh gọn.
Tại xã Thuận Nam mới, nơi cách trung tâm tỉnh Khánh Hòa khoảng 115km, từ chiều 30/6 đã có nhiều người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã để làm các thủ tục.
Bà Trà Văn Thị Thúy đến làm thủ liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. “Tôi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn chi tiết. Thời gian từ lúc nhận hồ sơ đến khi trả kết quả giải quyết hồ sơ chỉ trong một ngày làm việc. Tôi rất hài lòng với cách xử lý công việc nhanh chóng và thái độ phục vụ chu đáo của các cán bộ ở đây,” bà Trà Văn Thị Thúy nói.
Còn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phan Rang mới, ngay từ đầu giờ làm việc sáng 1/7, đã có gần chục người dân đến làm các thủ tục hành chính. Trung tâm đã bố trí cán bộ phối hợp với đoàn viên thanh niên ngay tại cửa tiếp đón, hướng dẫn người dân lấy số thứ tự và đăng ký quầy làm thủ tục hành chính.
Chị Nguyễn Thị Duyên, công dân ở phường Phan Rang, cho biết cơ sở vật chất Trung tâm khang trang, hiện đại. Bước vào cửa, chị đã được các cán bộ đón tiếp, hướng dẫn tận tình làm các thủ tục. Chị rất hài lòng với sự đổi mới, các giấy tờ liên quan được giải quyết nhanh chóng.
Sau sắp xếp, phường Phan Rang có khoảng 72.000 người dân. Để đáp ứng yêu cầu vận hành bộ máy mới, chính quyền địa phương đã sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với năng lực và vị trí việc làm, tập huấn sử dụng các phần mềm điều hành công việc như E-Office gắn với đánh giá hiệu quả công việc (KPI), hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Bà Châu Thị Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phan Rang, cho hay địa phương được phân bổ 90 biên chế và hiện nay đã bố trí 80 biên chế, về cơ bản đáp ứng các yêu cầu xử lý các công việc. Phường cũng đã rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số vào giải quyết các hồ sơ, công việc, ưu tiên những việc cấp bách.
Về phía cán bộ, công viên chức của phường Nha Trang, ngày làm việc đầu tiên được bắt đầu từ việc tham gia chào cờ tại Quảng trường 2 tháng 4 do tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Sau đó, tất cả đến trụ sở tập trung cao độ cho công việc. Dù có chút lo lắng do khối lượng công việc khá nhiều, nhưng mọi người đều tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của bà con nhân dân.

Đối với chị Trương Thị Mỹ Trang, công chức tư pháp hộ tịch phường Nha Trang, dù đã quen với công việc tư pháp hộ tịch trước kia ở phường cũ, nhưng khi làm việc ở phường Nha Trang chị phải học thêm rất nhiều nghiệp vụ mới, nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh khối lượng công việc lớn.
“Tôi thấy ngày đầu tiên làm việc khá thông suốt, các thủ tục giải quyết chưa có vướng mắc phát sinh. Nhìn bà con vui vẻ ra về, chúng tôi cũng vui lây,” chị Mỹ Trang cho hay.
Ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nha Trang, cho biết trước ngày làm việc đầu tiên của chính quyền địa phương 2 cấp, các đơn vị chức năng của phường, tỉnh đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp viễn thông tiến hành lắp đặt, kiểm tra hệ thống đường truyền Internet, máy tính phục vụ hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Ngày làm việc đầu tiên 1/7, các cán bộ, công viên chức của phường vận hành công việc thông suốt. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng và giải quyết các thủ tục nhanh gọn cho người dân.
“Quan điểm của tôi là cán bộ là phải lăn xả, vì nhân dân phục vụ. Bản thân tôi cũng phải thường trực sâu sát tại các điểm làm việc, đôn đốc công chức, viên chức làm việc và thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân để cải thiện thêm chất lượng công việc của phường. Tôi tin rằng cùng với cả nước, chính quyền ở phường Nha Trang sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa phường phát triển thành phường trung tâm, nơi có đời sống cao, đáp ứng tốt các yêu cầu cho người dân, du lịch khách đến phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa," ông Trần Xuân Tây chia sẻ.
Trong Thư kêu gọi gửi đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đúng vào thời điểm tỉnh đi vào hoạt động, ngày 1/7, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, nêu rõ: “Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân, cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trong suốt quá trình chuyển đổi; triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và công việc."
Nghệ An: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền
Sáng 1/7, cùng với cả nước, 130 xã, phường ở tỉnh Nghệ An đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước chuyển mình có tính lịch sử trong tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.
Là một phường rộng và đông dân nhất tỉnh Nghệ An, phường Thành Vinh được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Hưng Bình và xã Hưng Chính, nên số lượng các thủ tục hành chính cũng khá nhiều. Phòng làm việc tại phường Thành Vinh khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị máy móc đầy đủ, hiện đại để thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân thuận lợi, nhanh chóng nhất.

Ngay từ 7 giờ 30 ngày 1/7, hàng trăm người dân đã đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Vinh. Không khí làm việc diễn ra nghiêm túc, phấn khởi. Người dân đến giao dịch hành chính đều được tiếp đón chu đáo, hướng dẫn tận tình. Để biết đầy đủ các bước, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, người dân chỉ cần sử dụng máy điện thoại thông minh để quét mã QR-Code. Nếu công dân không có điện thoại thông minh sẽ được cán bộ phường hướng dẫn riêng trên máy tính.
Ông Dương Ngọc Linh, công dân phường Thành Vinh, cho biết đang làm thủ tục về tách sổ đỏ. Khi mới nghe chủ trương thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ông cũng hơi lo lắng, sợ các vấn đề thủ tục hành chính có thể bị gián đoạn. Tuy nhiên tại đây, ông được cán bộ trung tâm hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình chu đáo, nên hồ sơ đã cơ bản xong. Cán bộ trung tâm cũng đưa giấy hẹn ngày 2/7 sẽ trả hồ sơ.
Chị Trần Thị Mai, công dân phường Thành Vinh, cho biết: "Hôm nay tối lên làm chế độ người khuyết tật cho mẹ. Quá trình thực hiện, tôi được lực lượng cán bộ của trung tâm hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, từ thủ tục tiếp nhận đến trả giấy tờ đều được xử lý nhanh chóng, thuận lợi. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính, tôi cũng được cán bộ trung tâm hẹn trả giấy tờ vào ngày 2/7."
Để các hoạt động diễn ra trơn tru, không bị gián đoạn, ngay sau khi có quyết định thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt, Ban Chấp hành Đảng bộ phường Thành Vinh đã tiến hành ngay cuộc họp để triển khai các nội dung công việc cấp bách chuẩn bị cho bộ máy mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025; chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chuẩn bị các nội dung công việc phục vụ vận hành bộ máy mới.
Phường cũng tổ chức kỳ họp Hội đồng Nhân dân phường lần thứ nhất. Tại Trung tâm phục vụ hành chính công, phường đã bố trí đội ngũ công chức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng nhằm tiếp nhận và xử lý dịch vụ công tốt nhất, nhanh nhất, không để gián đoạn. Phường tập trung xử lý, làm tốt việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, trụ sở công; quản lý bàn giao hồ sơ, tài liệu… sau sáp nhập đúng quy định, không để ách tắc, tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Lư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường Thành Vinh, cho biết thời gian tới, đơn vị đầu tư phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong quản lý, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Phường đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng hoạt động của chính quyền; giải quyết thỏa đáng, kịp thời các chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, nhất là người hoạt động không chuyên trách khu phố.
Trước đó, phường Thành Vinh đã hoạt động thử nghiệm bộ máy chính quyền phường, bố trí trụ sở làm việc của hệ thống chính trị phường; bố trí phòng làm việc, đảm bảo trang thiết bị làm việc cho cán bộ, công chức.
Thái Nguyên: Phát huy tinh thần trách nhiệm ngay từ ngày đầu
Sáng 1/7, cùng với cả nước, 92 xã, phường của tỉnh Thái Nguyên đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của phường Bắc Kạn, ngay từ đầu giờ hành chính, nhiều người dân đã có mặt để thực hiện các thủ tục hoặc tìm hiểu thông tin. Nét mặt ai nấy đều ánh lên sự phấn khởi, tin tưởng.
Ông Phạm Văn Vườn, người dân thuộc phường Bắc Kạn, cho biết ông đến đây để làm các thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không khí làm việc ở đây rất khẩn trương, các cán bộ hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho ông rất tận tình, chu đáo, nhanh chóng và có trách nhiệm.
Ông thấy quy mô của phường giờ lớn hơn, đội ngũ cán bộ đông đủ, quy trình rõ ràng, chuyên nghiệp, chỉ trong vòng 15 phút công việc của cá nhân tôi đã hoàn tất. Ông tin rằng tinh thần làm việc này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.
Phường Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 xã, phường gồm: Sông Cầu, Phùng Chí Kiên, Nông Thượng và Xuất Hóa (thuộc tỉnh Bắc Kạn cũ). Phường có diện tích hơn 72km2, dân số hơn 25.000 người.
Ông Đinh Huy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bắc Kạn, cho biết ngay từ giữa tháng Sáu, phường đã chạy thử vận hành bộ máy nên khi chính thức đi vào hoạt động, cán bộ không còn bỡ ngỡ, các bộ phận đều phối hợp, vận hành nhịp nhàng, quy trình đơn giản, tạo điều kiện phục vụ người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của phường Phan Đình Phùng (địa phương được sáp nhập từ 7 phường trung tâm của thành phố Thái Nguyên trước đây), bà Lê Kim Ngân đến thực hiện cải chính giấy khai sinh.
Bà Ngân chia sẻ: “Tôi cảm nhận cơ sở vật chất và bộ máy nhân sự ở đây được chuẩn bị kỹ lưỡng, mọi thông tin được công khai minh bạch trên hệ thống điện tử, do vậy người dân rất thuận lợi trong công việc.”

Ông Trần Đình Thìn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Phan Đình Phùng, cho biết Trung tâm đã bố trí 10 bộ máy tính để cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thủ tục của người dân, trong đó dành riêng 2 máy để người dân sử dụng tra cứu thủ tục hành chính và nộp hồ sơ trực tuyến. Trung tâm cũng thường xuyên kết nối với Mobifone để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt. Các chuyên viên tại Trung tâm đều thực hiện thành thạo việc tiếp nhận, luân chuyển, theo dõi và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng như thực hiện các quy trình thủ tục hành chính thông suốt với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện, Trung tâm tiếp nhận và xử lý gần 280 thủ tục thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, được niêm yết công khai đầy đủ để người dân và doanh nghiệp theo dõi.
Hội đồng Nhân dân phường Phan Đình Phùng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp đầu tiên để công bố các quyết định của tỉnh và của phường về công tác cán bộ; đồng thời thảo luận, xem xét, thông qua một số tờ trình, nghị quyết với mục tiêu đưa bộ máy mới đi vào vận hành đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể nói, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã, phường ở tỉnh Thái Nguyên đã được phát huy ngay từ ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp. Sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân cũng là yếu tố quan trọng giúp quá trình chuyển đổi đạt hiệu quả, từng bước hiện thực hóa mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ.
Đắk Lắk: Đồng bộ tổ chức, nâng chất phục vụ nhân dân
Ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của tỉnh Đắk Lắk chính thức đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có 102 xã, phường nhanh chóng hoàn thiện bộ máy tổ chức, triển khai nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tại xã Hòa Phú, Đảng ủy xã tổ chức họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân xã nhiệm kỳ 2025-2030 để thông qua các nghị quyết về thành lập phòng, ban chuyên môn và Trung tâm phục vụ hành chính công. Cán bộ, công chức làm việc khẩn trương, trách nhiệm. Trung tâm phục vụ hành chính công thu hút đông đảo người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính. Người dân đánh giá cao việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ số.
Ông Nguyễn Thế Lâm (thôn 9, xã Hòa Phú) chia sẻ ông đến làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhận thấy không khí làm việc nghiêm túc, cán bộ hướng dẫn tận tình, thủ tục giải quyết nhanh chóng nhờ phần mềm bốc số tự động và trả kết quả qua bưu điện.
Ông bày tỏ kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền mới.
Anh Nguyễn Đăng Huy, chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hòa Phú, cho biết cán bộ đã làm việc xuyên suốt, kể cả ban đêm trong giai đoạn vận hành thử đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru. Nhờ đó, các thủ tục về hộ tịch, y tế, bảo hiểm, xác nhận cư trú, đăng ký học tập, xin việc... được giải quyết hiệu quả, tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Sau hợp nhất, xã Hòa Phú có diện tích hơn 100km2, dân số trên 48.000 người.

Ông Nguyễn Thế Hậu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết xã đã quán triệt cán bộ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tiếp công dân, đồng thời tổ chức tập huấn để cập nhật các quy định, đảm bảo không để thủ tục hành chính bị chậm trễ. Xã đầu tư thiết bị và phần mềm nhằm hiện đại hóa Trung tâm phục vụ hành chính công.
Tại phường Tân Lập, việc vận hành thử nghiệm từ ngày 25-30/6 giúp ngày đầu hoạt động chính thức diễn ra thông suốt. Ông Bùi Văn Minh (thôn 5) cho biết, ông đến công chứng giấy khai sinh và được cán bộ hướng dẫn tận tình, giải quyết thủ tục nhanh chóng.
Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Lập Nguyễn Anh Thanh cho biết cán bộ, công chức nỗ lực tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho người dân, kịp thời báo cáo cấp trên tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ công việc.
Để hỗ trợ vận hành, trong ngày đầu mô hình chính quyền hai cấp hoạt động, VNPT Đắk Lắk cử chuyên viên phần mềm và kỹ thuật đến 102 Trung tâm hành chính công cấp xã.
Ông Nguyễn Nam Quốc, Giám đốc VNPT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã triển khai phần mềm bốc số tự động, hỗ trợ thao tác trực tuyến tại nhà và thiết lập nhóm Zalo, đường dây nóng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, giúp hệ thống vận hành ổn định, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Việc Trung tâm phục vụ hành chính công các xã, phường hoạt động hiệu quả ngay từ ngày đầu cho thấy tính khả thi và hiệu quả bước đầu của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền và niềm tin của nhân dân sẽ là “bệ đỡ” để Đắk Lắk triển khai mô hình chính quyền mới một cách hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện trong thời gian tới.
Đắk Lắk: Đồng bộ tổ chức, nâng chất phục vụ nhân dân
Hợp nhất, thành lập các cơ quan thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk mớiCùng ngày, Tỉnh ủy Đắk Lắk mới tổ chức hội nghị công bố quyết định hợp nhất, thành lập các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các Đảng ủy và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố các quyết định điều động, bổ nhiệm, chỉ định nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên. Ông Trần Trung Hiển (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk cũ) được phân công, bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk mới, ông Nguyễn Quốc Hoàn (Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên cũ) được phân công, bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Hợp nhất Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên-Đắk Lắk thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk mới. Bà Đinh Thị Thu Thanh (Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên) được phân công, bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận.
Hợp nhất, thành lập các cơ quan thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk mới
Ông Nguyễn Thượng Hải (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk cũ) được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mới trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên-Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Đình Viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cũ được phân công giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mới.
Thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh Đắk Lắk mới và chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy. Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh được chỉ định kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy.
Thành lập Đảng ủy Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mới, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy.
Ông Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân được chỉ định tỉnh kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy.
Thành lập Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Lắk mới trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Quân sự và Đảng bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên-Đắk Lắk. Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định kiêm nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
Thành lập Đảng bộ Công an tỉnh Đắk Lắk mới trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Công an tỉnh Phú Yên-Đắk Lắk.
Thiếu tướng Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy.
Thành lập Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk mới trên cơ sở hợp nhất Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên-Đắk Lắk.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng được phân công giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk mới cũng công bố các quyết định thành lập và bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy gồm: Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk; Báo và Phát thanh, truyền hình tỉnh Đắk Lắk.
Ông Huỳnh Chiến Thắng được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo và Phát thanh, truyền hình tỉnh Đắk Lắk.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung đề nghị các cơ quan sau hợp nhất xác định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới, yêu cầu đặt ra trong tình hình mới; xây dựng quy chế làm việc, mối quan hệ công tác đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy bên trong và đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế theo quy định...
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền tạo không khí phấn khởi, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị./.