Làm rõ vụ 38 học sinh nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh
Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tạm đình chỉ cơ sở chế biến nếu phát hiện có nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngày 28/3, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản chỉ đạo Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương điều tra, xử lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm liên quan vụ 38 học sinh trường Tuệ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh đau bụng, buồn nôn sau ăn trưa.
Cục An toàn Thực phẩm nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở Tuệ Đức (cơ sở 1/5 Bis Lương Định Của, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức) và Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở Tuệ Đức (cơ sở 644 Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức), trong đó có hơn 30 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn sau khi ăn các bữa ăn tại trường do cùng một công ty tại quận Tân Phú cung cấp; vụ nghi ngờ ngộ độc trên xảy ra cùng một ngày và có cùng các nhóm thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc.
Trước tình hình trên, Cục An toàn Thực phẩm đã ban hành công văn số 566/ATTP-NĐTT đề nghị Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm nếu phát hiện nguy cơ có thể tiếp tục gây ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; Tăng cường các biện pháp quản lý, đặc biệt trong các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, đảm bảo vệ sinh trong suốt quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm.
Theo báo cáo của nhà trường, sáng 26/3, giáo viên chủ nhiệm lớp 1P6 nhận thông tin từ phụ huynh hai học sinh có biểu hiện buồn nôn, tiêu chảy, được đưa đi bệnh viện và chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Sau bữa ăn sáng cùng ngày, trường ghi nhận thêm 2 học sinh có triệu chứng tương tự. Một em được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thức ăn, một em bị đau bụng từ tối 25/3.
Trưa cùng ngày, Ban giám hiệu họp khẩn với các bộ phận liên quan và tổng hợp được 38 học sinh có dấu hiệu nghi ngộ độc, trong đó có 5 trường hợp được xác định đau bụng do sinh lý.
Nhà trường đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thông báo đến phụ huynh để phối hợp theo dõi sức khỏe học sinh./.