Lâm Đồng: Nguy cơ Nhà máy alumin ngừng hoạt động do thiếu vùng nguyên liệu
Kể từ khi thực hiện đến nay (từ đầu năm 2024), mới có 73,3 ha được Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm ban hành quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.
Ngày 22/9, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông tin đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xử lý kiến nghị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng- TKV về tình trạng khó khăn do thiếu quỹ đất để khai thác quặng Bauxit.
Đáng chú ý đây là tình trạng doanh nghiệp luôn phải đối mặt trong nhiều năm qua, do chính quyền địa phương không kịp thời giải phóng mặt bằng, cung cấp vùng nguyên liệu để doanh nghiệp khai thác quặng Bauxit, chế biến alumin.
Tại văn bản số 7873/UBND-ĐC ngày 19/9/2024, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh nhận Văn bản số 2657/LDA-KTCN ngày 12/9/2024 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng - TKV về việc khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Tổ hợp Bauxit - nhôm Lâm Đồng.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng- TKV tại văn bản nêu trên để trả lời doanh nghiệp theo quy định; báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10/10/2024.
Theo ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng- TKV, khu vực khai thác quặng Bauxit 5 năm (giai đoạn 3) Dự án Tổ hợp Bauxit - nhôm Lâm Đồng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chấp thuận phạm vi ranh giới, diện tích thu hồi đất để khai thác quặng tại văn bản số 4343/UBND-DC ngày 16/6/2022 với tổng diện tích là 428,22 ha.
Kể từ khi thực hiện đến nay (từ đầu năm 2024), mới có 73,3 ha được Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm ban hành quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Tuy nhiên khả năng huy động vào khai thác chỉ được khoảng 40 ha (trong tổng 73,3 ha) do nằm tập trung. Diện tích còn lại chưa thể huy động vào khai thác do nằm rải rác, không có đường vào.
Theo tính toán, với quỹ đất còn lại có thể tiếp cận khai thác được chỉ đáp ứng sản xuất alumin đến ngày 25/9/2024. Sau thời điểm này, nếu không được bổ sung thêm quỹ đất thì phải giảm tải hoặc dừng sản xuất tại Nhà máy alumin; điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của đơn vị cũng như việc làm của gần 1.400 người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng- TKV.
Trong khi các đơn vị, tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đang tiếp tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để có quỹ đất phục vụ khai thác cho các tháng cuối năm 2024 thì phải tạm dừng với lý do hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm chưa ban hành các văn bản, quyết định về hướng dẫn, đơn giá các loại để áp dụng phù hợp với Luật Đất đai 2024.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng- TKV đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tham mưu soạn thảo trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn thay thế các quyết định cũ tương ứng với Luật Đất đai 2013 không còn phù hợp.
Trên cơ sở các văn bản, quyết định mới ban hành theo Luật Đất đai 2024 của tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm ban hành các quyết định về đơn giá thay thế; đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân huyện thực thủ tục phục vụ công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng năm 2025.
Trước đó từ ngày 10/10/2023, phóng viên TTXVN đã liên tục phản ánh thông tin Nhà máy alumin Lâm Đồng có nguy cơ dừng hoạt động vì không giải phóng được mặt bằng khai thác quặng. Nội dung phản ánh trong giai đoạn 2020- 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nhôm Lâm Đồng- TKV và các đơn vị thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng 320 ha để khai thác quặng bauxit.
Tuy nhiên, trong diện tích trên, vẫn còn 71,2 ha chưa đền bù giải phóng mặt bằng được; trong đó có trên 30 ha do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến và Công ty Trách nhiệm hữu hạn giống Vĩnh Lộc quản lý; 13,43 ha là đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý, còn lại là đất của các hộ gia đình…/.