Lâm Đồng cho phép điều chỉnh dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất
Nhà máy Điện gió Cầu Đất là nhà máy điện gió đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2019 tại thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt với tổng kinh phí 57 triệu USD.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản cho phép Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Đại Dương điều chỉnh dự án đầu tư Nhà máy Điện gió Cầu Đất tại thành phố Đà Lạt.
Trước đó, công ty này đã bị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử phạt vi phạm hành chính số tiền 225 triệu đồng do vi phạm các quy định về sử dụng đất.
Theo văn bản số 4283/UBND-MT ngày 16/5/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Đại Dương được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng như đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; điều chỉnh tiến độ và tổng đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất.
Cụ thể, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng thêm 18 tháng tính từ ngày 30/6; điều chỉnh tiến độ dự án theo thời giam gia hạn đưa đất vào sử dụng đến hết ngày 31/12; tổng vốn đầu tư 2.559 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu 889 tỷ đồng và vốn vay 1.670 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Đại Dương trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành văn bản này, liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh để được hướng dẫn và thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng; thực hiện nghĩa vụ tài chính cho thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan đến dự án theo quy định…
Trước đó ngày 15/3/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Đại Dương tổng số tiền 225 triệu đồng.
[EVN phê duyệt giá mua tạm thời Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Viên An]
Các hành vi mà công ty vi phạm gồm sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Cụ thể là chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phong hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thông với tổng diện tích 86.62 m2 đất trồng cây lâu năm; chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ (môi trường cảnh quan) tại khu vực nông thôn với diện tích 4.281m2 thuộc tiểu khu 165A do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Đại Dương phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện tiếp các thủ tục giao đất, thuê đất đối với diện tích đất sử dụng chưa thực hiện các thủ tục theo quy định; nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là sử dụng 90.909m2 đất công trình năng lượng khi chưa được cấp thẩm quyền giao hoặc cho thuê đất với số tiền trên 1,15 tỷ đồng.
Nhà máy Điện gió Cầu Đất là nhà máy điện gió đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2019 tại thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt với tổng kinh phí đầu tư 57 triệu USD.
Công suất dự kiến của nhà máy là 30MW với 20 cột turbin gió, mỗi cột 1,5 MW. Hiện tại, doanh nghiệp này đã hoàn thành việc xây dựng các cột turbin gió.
Tuy chưa đưa vào hoạt động, nhưng các cột turbin điện gió đứng trên nền khung cảnh đồi chè Cầu Đất đã trở thành điểm thu hút khách du lịch đến tham quan và trở thành 1 trong những điểm nhấn của du lịch Đà Lạt.
Vào năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết Sở đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng để cơ quan này xem xét, trình Bộ Công Thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung Cụm dự án nhà máy điện gió Đơn Dương (huyện Đơn Dương) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2021-2030.
Cụm dự án nhà máy điện gió Đơn Dương 1, 2, 3 và 3A có tổng công suất gần 200MW do Công ty cổ phần đầu tư EMI thực hiện. Tổng mức đầu tư dự toán 7.600 tỷ đồng.
Các nhà máy điện gió này được khảo sát, xây dựng tại thị trấn D’ran và các xã Lạc Xuân, Ka Đô, P’ró (huyện Đơn Dương), nằm kế bên dự án điện gió Cầu Đất (thành phố Đà Lạt) đang thi công.
Diện tích tối đa cho mỗi nhà máy trên khoảng 32ha. Theo kế hoạch, 4 nhà máy điện gió tại huyện Đơn Dương sẽ có 12 trụ tuabin. Mỗi trụ có công suất từ 4-4,2MW, chiều cao khoảng 100m, đường kính cánh 150m.
Dự kiến, cụm dự án 4 nhà máy điện gió Đơn Dương sẽ có sản lượng điện phát lên lưới hơn 170 MWh/năm.
Theo khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cụm dự án điện gió nêu trên sẽ ảnh hưởng đến hơn 4.500ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất của địa phương nếu căn cứ theo quyết định điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng 2016-2025, định hướng đến 2030. Ngoài ra, diện tích đất ngoài lâm nghiệp bị ảnh hưởng hơn 800ha./.