Lãi suất cho vay có thể sẽ ‘nóng’ hơn vào dịp cuối năm

Các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp và lãi suất huy động vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: TTXVN)

Lãi suất huy động chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" khiến nhiều doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh như “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại lãi suất cho vay tăng trong khi nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh cuối năm ngày một nhiều.

Lãi suất huy động và liên ngân hàng tăng nhiệt

Theo khảo sát tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước.

Điển hình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) vừa tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm tới 0,95%/năm so với hồi đầu tháng Tám, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Đối với kỳ hạn ngắn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên thành 3,8%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên mức 6,9%/năm. Một số ngân hàng khác Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm ở các kỳ hạn so với trước đó.

[Ngân hàng chịu sức ép lớn từ ‘cuộc đua’ lãi suất huy động]

Hiện lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.

Các chuyên gia cho rằng bắt đầu từ ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% xuống 34%. Đó cũng là một trong những áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đạt tỷ lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Một diễn biến mới trên thị trường những ngày gần đây là lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng "dậy sóng" trở lại ở mức 5,71%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 6,13%/năm, kỳ hạn 9 tháng ở mức 6,78%/năm. Đây là mức cao nhất trong 7 năm gần đây.

Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 53.000 tỷ đồng thông qua thị trường mở. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống vẫn căng thẳng và khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng cao.

Khó giữ mặt bằng cho vay thấp

Trên thực tế, việc lãi suất huy động đã tăng trong một thời gian dài nên lãi suất cho vay cũng bắt đầu tăng.

Ông Chu Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu, cho biết doanh nghiệp đã nhận thông báo tăng lãi suất từ đầu tháng Tám ở cả hai ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay vốn với mức tăng khoảng 1,7%/năm từ 4,5% và 4,8% lên 6,2%. Lãi suất tăng có nghĩa là chi phí sản xuất tăng.

Còn giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội chia sẻ cuối năm ngoái công ty ông có khoản vay tại một ngân hàng cổ phần, với lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đến hết kỳ hạn, khi ông hỏi vay tiếp thì nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất cho vay đã tăng lên 9%/năm, nhưng ngay cả khi đồng ý với mức lãi suất này thì công ty cũng khó vay được...

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Everest (EVS) cho rằng dưới áp lực tăng lãi suất toàn cầu và tỷ giá trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với đầu năm nay. Lãi suất cho vay của các ngân hàng vì thế đã tăng trong khoảng 30-70 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh.

Thị trường tiền tệ chịu nhiều áp lực

Cùng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Phân tích của VDSC cho thấy các loại lãi suất trên thị trường đều đã tăng trừ lãi suất điều hành. "Do lãi suất điều hành mang tính định hướng nên việc tăng mạnh lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tuy nhiên, nếu kiềm giữ lãi suất điều hành thì áp lực từ bên ngoài vẫn rất lớn," chuyên gia VDSC nhận định.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng lạm phát Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng nếu lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhất là khi USD tăng áp lực lên tỷ giá.

Dù vậy, ông Đào Minh Tú-Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước lại khẳng định lãi suất thời gian vừa qua mặc dù có biến động tăng nhưng ở mức độ nhẹ, trong đó lãi suất huy động tăng 0,25% và lãi suất cho vay tăng 0,24%. Đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9%-9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3%-6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm.

Cũng theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh từ năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất lên rất cao nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành.

“Nếu xét về góc độ tương đối trong tương quan với các nước đang có lãi suất tăng nhanh thì có thể xem như chúng ta đang giảm lãi suất điều hành, mặc dù con số tuyệt đối không thay đổi. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn với giá hợp lý, rẻ hơn,” ông Tú nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, lạm phát là vấn đề đang được quan tâm và Chính phủ cũng đang chỉ đạo nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát. Trong tháng Bẩy và Tám vừa qua, chỉ số lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức 2,58%. Tuy nhiên, các yếu tố về tiền tệ cũng như một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lúc này được tính toán một cách chặt chẽ, thận trọng.

Ông Tú cho biết để giải quyết câu chuyện vừa kiểm soát lạm phát vừa khôi phục kinh tế nhanh và hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiệu còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí trong hoạt động và một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn như triển khai trong suốt 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19./.

Thúy Hà (Vietnam+)