Kỳ vọng lạm phát sẽ giảm, giới chức Fed thận trọng về kế hoạch hạ lãi suất
Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Dallas cảnh báo Fed cần duy trì "linh hoạt" và chuẩn bị sẵn sàng tất cả các lựa chọn khi theo dõi dữ liệu kinh tế và quyết định cách ứng phó.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong năm nay, ngay cả khi thị trường lao động vẫn vững chắc, khiến họ không vội hạ lãi suất đang ở mức 5,25-5,5%, vốn được duy trì kể từ tháng 7/2023.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Dallas, Lorie Logan, cho biết bà vẫn lo ngại về những rủi ro lạm phát tăng cao và cảnh báo rằng Fed cần duy trì "linh hoạt" và chuẩn bị sẵn sàng tất cả các lựa chọn khi theo dõi dữ liệu kinh tế và quyết định cách ứng phó.
Tại một sự kiện mới đây ở El Paso, bang Texas, bà Logan nói: "Điều thực sự quan trọng là chúng tôi không nên bám chặt vào bất kỳ con đường cụ thể nào cho chính sách tiền tệ. Tôi nghĩ còn quá sớm để thực sự nghĩ đến việc giảm lãi suất."
Mặc dù lạm phát của Mỹ cho đến nay đã ở mức gần 3%, bà Logan cho biết: "Tôi nghĩ có những lý do chính đáng để tin rằng chúng tôi đang hướng tới mức mục tiêu 2%. Có lẽ con đường chúng tôi đi chậm hơn và gập ghềnh hơn một chút so với dự kiến của nhiều người vào đầu năm."
Trước đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York John Williams nói với Câu lạc bộ Kinh tế New York rằng ông cảm thấy có "rất nhiều bằng chứng" cho thấy chính sách tiền tệ đang giúp đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của Fed. Ông nói: "Tại một thời điểm nào đó, Fed sẽ đạt được vị thế để có thể cắt giảm lãi suất, nhưng thời điểm đó vẫn chưa rõ ràng. Tôi không cảm thấy bất kỳ sự cấp bách nào để hạ lãi suất với nền kinh tế hoạt động tốt như hiện nay."
Ông Williams, bà Logan và các nhà hoạch định chính sách khác của Fed sẽ tham gia cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào khoảng hai tuần nữa, và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất khi họ thu thập thêm dữ liệu về nền kinh tế.
Một câu hỏi quan trọng là liệu việc cải thiện hơn nữa lạm phát có đòi hỏi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn hay không. Một báo cáo của Chính phủ Mỹ được công bố vào ngày 30/5 cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,3% trong quý 1/2024, chậm hơn ước tính trước đó do các hộ gia đình chi tiêu ít hơn dự kiến.
Các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ có được số liệu mới về diễn biến lạm phát, với việc Bộ Thương mại công bố Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) hằng tháng của Mỹ. Các nhà kinh tế ước tính PCE tháng 4/2024 sẽ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Fed nhắm tới mục tiêu 2%.
Các dữ liệu quan trọng khác bao gồm báo cáo việc làm tháng 5/2024, dự kiến công bố vào cuối tuần tới. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4/2024 là 3,9%, chỉ cao hơn chút ít so với thời điểm Fed bắt đầu nâng lãi suất để chống lạm phát vào tháng 3/2022.
Tại cuộc họp chính sách vào ngày 11-12/6, các quan chức Fed được dự báo sẽ điều chỉnh ước tính trước đó về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay xuống 1-2 lần. Trong những tháng gần đây, khi lạm phát tăng cao hơn mong đợi, các quan chức Fed phần lớn đã ngừng nói rằng họ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay và đã lùi lại dự báo về thời điểm thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.
Fed ngày 29/5 đã công bố tài tài liệu chuyên sâu có tên là Sách Begie, trong đó đánh giá nền kinh tế số một thế giới tính tới tháng 5/2024 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng song rủi ro suy thoái vẫn còn.
Sách Begie tháng Năm đã công bố các số liệu và đánh giá mới nhất về tình hình kinh tế tại 12 khu vực đảm trách của Fed. Theo tài liệu này, về tổng thể nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng từ đầu tháng 4 tới trung tuần tháng 5/2024, song tăng trưởng không đồng đều tại các khu vực, rủi ro suy thoái vẫn còn, chi tiêu bán lẻ không đổi cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn khá thận trọng trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt sâu.
Trong hơn 1 tháng qua, nền kinh tế chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ so với giai đoạn trước đó, nhiều khu vực ghi nhận tình trạng chi phí đầu vào tiếp tục tăng, đặc biệt là bảo hiểm và nhiên liệu, đồng thời dự báo xu thế này có thể kéo dài thêm một thời gian nữa trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn nhiều ngưỡng mục tiêu 2% của Fed.
Sách Begie tháng Năm đánh giá thị trường lao động tại Mỹ có chút khởi sắc khi việc làm tăng trưởng nhẹ. Hầu hết các khu vực của nền kinh tế, trừ một số ngành công nghiệp, không còn phải đối mặt với tình trạng quá khan hiếm lao động; tăng trưởng tiền lương đạt mức trung bình và về ngang mức trước đại dịch COVID-19 tại một số khu vực.
Còn theo nghiên cứu của tổ chức Conference Board, niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 5/2024 sau ba tháng giảm liên tiếp, song người Mỹ vẫn lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng cao.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của người dân Mỹ đã tăng từ mức 97,5 điểm trong tháng Tư lên mức 102 điểm trong tháng Năm. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng chỉ số này sẽ giảm trở lại.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đo lường đánh giá của cả người dân Mỹ về điều kiện kinh tế của họ tại thời điểm hiện tại và nhận định về triển vọng trong sáu tháng tới.
Thước đo kỳ vọng ngắn hạn của người Mỹ về thu nhập, kinh doanh và thị trường việc làm đã tăng lên 74,6 trong tháng này từ mức ảm đạm 68,8 trong tháng Tư. Chỉ số này nếu ở mức dưới 80 điểm có thể báo hiệu một cuộc suy thoái tiềm tàng trong tương lai gần.
Kỳ vọng của người tiêu dùng về một cuộc suy thoái trong năm tới đã tăng trở lại vào tháng 5/2024 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm hồi tháng 5/2023. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy hơn 2/3 số người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ tin rằng "phần nào" hoặc "rất có khả năng" xảy ra một cuộc suy thoái trong 12 tháng tiếp theo.
Kết quả này trái ngược với kết quả cuộc khảo sát của Conference Board đối với các CEO, trong đó chỉ có khoảng 1/3 trong số họ dự đoán suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong 12-18 tháng tới./.