Kỳ vọng đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Lào

Chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962, với lợi thế gần gũi về địa lý, văn hoá tiêu dùng, Việt Nam và Lào không ngừng tăng cường, phát triển và đạt nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nước.

Riêng lĩnh vực thương mại, hai nước luôn phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi được mở rộng, đa dạng và phong phú.

Chính vì vậy, chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thắt chặt quan hệ

Theo nhận định từ các chuyên gia, Việt Nam-Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu…

Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào. Hơn nữa, thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.

Toàn cảnh Hội chợ Thương mại Việt Nam-Lào tại Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bên cạnh đó, Lào gần như chấp nhận chứng nhận tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu; trong đó, có Việt Nam như đồ uống có chứng nhận an toàn thực phẩm.

Mặt khác, doanh nghiệp còn có thể tận dụng việc kết nối của Lào với Thái Lan và Trung Quốc xuất khẩu sang hai thị trường nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt sang thị trường lân cận.

Tại buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthvanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu bật kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam-Lào trong năm 2024 với kim ngạch thương mại song phương ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm trước đó.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra và minh chứng rõ nét cho kết quả nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp; trong đó, không thể không kể đến đóng góp của Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Lào.

Liên quan đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã hoàn tất các thủ tục báo cáo Chính phủ phê duyệt Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới (ký ngày 8/4/2024) và sẵn sàng cho việc thực hiện.

Bộ trưởng đề nghị Đại sứ Lào trao đổi với các cơ quan chức năng phía Lào nhanh chóng hoàn tất thủ tục nội bộ cần thiết. Đồng thời, sớm thông báo và khẳng định với phía Việt Nam ngày chính thức có hiệu lực để hiệp định sớm được thực thi, ưu đãi theo điều khoản sớm được tận dụng.

Dự án Nhà máy Thủy điện Xekaman 1 tại Lào do Việt Nam đầu tư. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vai trò then chốt của hai trụ cột này trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Lào, hợp tác mua bán than và điện giữa Việt Nam và Lào trong năm 2024 đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp.

Việc nhập khẩu điện và than từ Lào về Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam mà còn khai thác tiềm năng cung ứng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hội của Lào.

Đại sứ Lào tại Việt Nam bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về thành tựu ấn tượng mà hai nước đã đạt được và bày tỏ sự ấn tượng trước sự tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024.

Cụ thể ước đạt khoảng 810 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tục, thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 25 tỷ USD. Bên cạnh đó, công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tới 8,4%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.

Đáng lưu ý, hàng hóa xuất khẩu của hai nước không chỉ mang tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Lào hóa chất, xăng dầu, máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt thép...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào cao su, than đá, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón, quặng và khoáng sản...

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho thấy, tính đến tháng 12/2024, đầu tư từ Việt Nam vào Lào 417 dự án với tổng giá trị được phê duyệt hơn 4.9 tỷ USD.

Đặc biệt, các dự án đầu tư 100% vốn Việt Nam chiếm 4.6 tỷ USD; trong đó, phần lớn các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp 680 triệu USD, năng lượng điện 980 triệu USD, khai thác khoáng sản 1 tỷ USD, dịch vụ khác 2 tỷ USD.

Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa...

Đóng góp vào kết quả này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh xúc tiến thương mại định kỳ hàng năm nhằm tạo cơ hội kết nối giao thương giữa địa phương hai nước.

Nông trường caosu Bachiang của Công ty caosu Việt Lào tại tỉnh Attapeu. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Nổi bật là Hội chợ Thương mại Việt-Lào Expo được tổ chức vào quý 3 hàng năm. Đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia quan trọng kết nối giao thương, miễn phí gian hàng, giúp doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Lào cũng thường xuyên làm việc với đơn vị chuyên môn của Lào ở Trung ương và địa phương để kết nối, giới thiệu và quảng bá thương hiệu quốc gia, hàng hóa Việt Nam tại Lào. Mặt khác, thường xuyên cập nhật chính sách, môi trường kinh doanh, quy định về xuất nhập khẩu, thông tin thị trường, doanh nghiệp Việt Nam tới đối tác Lào.

Khơi thông dòng chảy

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại hai nước Việt Nam-Lào phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều điểm hạn chế.

Cụ thể như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả...

Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Nhằm tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư Việt Nam- Lào, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước có chủ trương tăng cường kết nối, bổ trợ kinh tế và ấp ủ triển khai xây dựng Khu công nghiệp Lào-Việt.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Cửa khẩu kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt-Lào. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh Việt Nam và Lào là hai nước đang phát triển, đều gặp những hạn chế cản trở quá trình công nghiệp hóa như tiếp cận cơ sở hạ tầng, công nghệ và tài chính, chi phí sản xuất, giao dịch cao do thiếu cơ sở hạ tầng và thể chế còn nhiều bất cập.

Do vậy, việc hình thành khu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu cũng như hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị mới tại mỗi nước.

Phân tích rõ hơn về tiềm năng hợp tác phát triển dự án Khu công nghiệp giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm cho rằng với các yếu tố cơ bản và tiềm năng sẵn có, Lào có nhiều lợi thế và cơ sở để phát triển khu công nghiệp như tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chi phí thuê đất rẻ, giá nhân công thấp và Lào đang tích cực triển khai định hướng trở thành trung tâm logistics khu vực.

Trong khi đó, với những kinh nghiệm từ các mô hình khu công nghiệp đã xây dựng và đang phát huy hiệu quả, Việt Nam có thể hợp tác với phía Lào để nghiên cứu, hình thành những khu công nghiệp.

Nhằm phát huy cơ hội phát triển, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động để khai thác lợi thế xuất khẩu sang Lào, gia tăng quy mô xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp cần định vị đúng đắn, xác định tiềm năng và thuận lợi có thể khai thác để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu. Việc tăng cường liên kết, hình thành chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, xây dựng thương hiệu là cần thiết, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt tại Lào.

Vì vậy, doanh nghiệp hai nước có thể phối hợp và xây dựng, hình thành chuỗi sản xuất-cung ứng sản phẩm mà Việt Nam và Lào có lợi thế. Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Cùng với các địa phương có chung đường biên giới với Lào, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, đảm bảo hoạt động thương mại và thương mại biên giới giữa hai nước diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng thương mại Việt Nam-Lào./.