Kỳ vọng bước ngoặt mới để tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Đắk Nông là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển; đồng thời lưu ý tỉnh về những khó khăn về cơ sở hạ tầng, trình độ cán bộ chưa đồng đều.
Ngày 23/3, tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024.
Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương, địa phương trong cả nước và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông tham dự hội nghị.
Xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở chính trị và pháp lý vô cùng quan trọng, để tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới đột phá, nhanh và bền vững. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 31/12/2023, đúng vào dịp Đắk Nông kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh.
Việc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và toàn thể Nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch. Từ đó, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để phấn đấu thực hiện thành công quy hoạch tỉnh và xây dựng quê hương Đắk Nông ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố Quyết định số 1757/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khác biệt của tỉnh Đắk Nông. Phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm công nghiệp bôxít - alumin - nhôm quốc gia; là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Nông cũng được định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về cảnh quan, khí hậu, văn hóa đặc trưng.
Quy hoạch cũng định hướng đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển vùng Tây Nguyên với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình.”
Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã trao 4 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 4 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Đây là những dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Đắk Nông. Trong đó, có 4 dự án mới được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng; 4 dự án ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8,4 tỷ USD.
Cụ thể, các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư gồm: Dự án Khu dân cư tổ 5, phường Nghĩa Trung của Công ty Cổ phần Bất động sản Gia Nghĩa với tổng mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp khách sạn - Thương mại Cao Nguyên của Công ty Cổ phần cà phê ARABICA Việt Nam (thuộc Tập đoàn TH) với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Gia Nghĩa của Công ty cổ phần Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng; và Dự án Nhà máy chế biến khoai lang cắt lát đông lạnh của Công ty SEJIN F&S INC tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 4 nhà đầu tư nhận bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tỉnh Đắk Nông bao gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn TH hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến 3,6 tỷ USD; Công ty Cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,3 tỷ USD; Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Phương hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD; và Công ty TNHH Khai khoáng Việt Nam hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với các khó khăn của tỉnh Đắk Nông trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng khẳng định, Đắk Nông là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để phát triển. Trong đó, nổi bật là Đắk Nông có đất rộng người thưa, nếu giải quyết tốt vấn đề đầu tư, kết nội hạ tầng giao thông, giải quyết tốt vấn đề đất lâm nghiệp, quy hoạch khoáng sản thì Đắk Nông rất dễ tiếp cận đất đai so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Thêm nữa, vị trí phía nam Tây Nguyên, tiếp giáp với Đông Nam bộ, khu vực phát triển sôi động của cả nước, cũng là một lợi thế lớn của Đắk Nông trong quá trình phát triển. Tỉnh cũng có nhiều tiềm năng rõ rệt, mạnh mẽ để phát triển du lịch nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…, nhất là khi đường cao tốc kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ được đầu tư, xây dựng.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông. Trong đó, nổi bật là hiện khoảng 2/3 diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Nông là rừng, khoáng sản và tỉnh chỉ còn khoảng 1/3 diện tích tự nhiên cho phát triển. Thêm nữa, phần lớn diện tích này lại nằm ở phía Bắc tỉnh (tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk), trong khi thủ phủ Đắk Nông và trung tâm phát triển của tỉnh lại nằm ở phía Nam.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý Đắk Nông các khó khăn liên quan tới những diễn biến bất thường của thời tiết dưới tác động của biến đổi khí hậu; Về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Về thực trạng hộ nghèo vẫn còn cao, nhất là hiện nay vẫn còn khoảng 2/3 số hộ nghèo của Đắk Nông là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; về trình độ cán bộ chưa đồng đều, nhất là cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc thiểu số; về việc tổng thu ngân sách của Đắk Nông chỉ khoảng 3.000 tỷ mỗi năm, nằm trong các địa phương có tổng thu ngân sách thấp nhất cả nước…
Để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng Đắk Nông trở thành một tỉnh phát triển trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý Đắk Nông trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh phải quán triệt 4 nguyên tắc “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”.
Tập thể lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh phải đoàn kết, gắn bó, chia sẻ và làm tốt công tác “nêu gương”. Tỉnh Đắk Nông cần quan tâm nhiều hơn nữa tới đồng bào dân tộc thiểu số trên cả ba phương diện: phát triển sinh kế bền vững; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; và đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Đắk Nông phải chọn lọc trong đầu tư công, trong bối cảnh tổng vốn đầu tư không nhiều; Tập trung hơn cho công tác giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản và quy hoạch sử dụng đất. Phó thủ tướng cũng ủng hộ Đắk Nông cấp chủ trương cho các dự án khai thác bô xít theo hướng tuần hoàn, tức cho ra sản phẩm alumin, nhôm và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch./.