Ký ức không quên của những người tham gia may lá cờ Mặt trận Giải phóng

Câu chuyện may lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - lá cờ giải phóng được treo lên vị trí trọng yếu khi Ninh Hòa được giải phóng ngày 2/4/1975 là ký ức không quên với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích kể chuyện về sự kiện gia đình bà may 2 lá cờ giải phóng trước những năm 1975 và hình ảnh của chị gái-liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh. (Ảnh: Phan Sáu/ TTXVN)

Những ngày tháng 4 này, đất nước hân hoan kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024).

Trong tâm thức của những người dân thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nói chung, của thân nhân gia đình cách mạng liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh nói riêng đều xúc động bồi hồi, tự hào nhớ về chặng đường lịch sử đã qua với những câu chuyện may lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - lá cờ giải phóng được treo lên các vị trí trọng yếu khi Ninh Hòa được giải phóng vào ngày 2/4/1975.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (63 tuổi, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống cách mạng, có cha là liệt sĩ Nguyễn Kiến Đường, mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lợn và chị gái là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân-liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh.

Nhắc lại câu chuyện may cờ, ký ức về những tháng ngày đầy tự hào của cả gia đình trong bà không bao giờ quên, bởi những ngày đó chính là những ngày gia đình của bà trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” vừa may cờ giải phóng, vừa đề phòng địch phục kích nghiêm ngặt bên ngoài.

Bà Bích kể những ngày cuối tháng chạp năm 1967, gia đình bà được tổ chức giao nhiệm vụ đặc biệt, may hai lá cờ giải phóng với kích thước dài 3,5m; ngang 2,8m để treo tại trụ sở quận Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) với niềm tin cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 sẽ đi đến thắng lợi.

Vì cờ giải phóng có ba màu xanh, đỏ, vàng nên nếu mua cùng một chỗ và cùng thời điểm dễ bị địch phát hiện. Do vậy, phải mua vải ở nhiều nơi khác nhau, mỗi lần mua một ít và cất giấu cẩn thận. Thời điểm đó, nhà bà là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng nên ngày đêm đều có nghĩa quân của địch phục kích trước cổng nhà, trong vườn.

Phóng viên TTXVN trò chuyện với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh về sự kiện gia đình bà may 2 lá cờ giải phóng trước những năm 1975. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Tối đêm 28 tháng chạp năm 1967 âm lịch, ngoài sân và thềm nhà, một trung đội ngụy trải bạt nằm la liệt. Chúng mở to đài Sài Gòn để nghe hát cải lương và sát phạt đỏ đen với nhau. Chúng la hét, cãi cọ, chửi thề om sòm. Ở trong nhà, cửa đóng chặt, đèn điện chiếu sáng. Các thành viên trong gia đình bà dồn dập, gấp gáp trong những đường kim mũi chỉ để hoàn thành nhiệm vụ.

Thời điểm đó, mọi người chỉ có thể tranh thủ may cờ vào ban đêm, vì nếu ban ngày mở đèn sẽ bị nghi ngờ, còn mở cửa ra để lấy ánh sáng mặt trời thì rất dễ bị phát hiện. Cả hai lá cờ đều được may hoàn toàn bằng tay.

“Khó khăn lớn nhất là lá cờ quá lớn, phải canh và đặt ngôi sao cho đúng vị trí. Mẹ và các chị tôi, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, đã đo đi đo lại cẩn thận rất nhiều lần, vì mỗi người đều tâm niệm chỉ cần lệch một đường kim mũi chỉ cũng thấy có lỗi với đất nước,” bà Bích nói.

Vì tuổi nhỏ nên thời điểm đó bà Bích không trực tiếp may cờ mà được giao nhiệm vụ khác là chăm sóc, nuôi dạy con chó để canh giữ cho gia đình may cờ bên trong. Chú chó được bà Bích huấn luyện cực kì thông minh, chỉ cần một động tĩnh bất thường của địch bên ngoài là lập tức “phát tín hiệu” cho gia đình. “Trong hoàn cảnh cam go đó, cần sự phối hợp ăn ý của rất nhiều yếu tố mới có thể hoàn thành nhiệm vụ,” bà Bích chia sẻ.

Ông Nguyễn Kiến Hiến, (71 tuổi, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) anh trai của bà Bích nhớ lại, thời điểm gia đình ông may cờ giải phóng, ông đã 15 tuổi, tham gia cách mạng với nhiệm vụ rải truyền đơn trên địa bàn. Khi gia đình may cờ, ông được giao nhiệm vụ canh gác, báo động.

Những thành viên khác trong gia đình khi thực hiện nhiệm vụ may cờ vào đợt Tết Mậu Thân 1968, đều coi đây là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, phải tuyệt đối giữ bí mật. Sau khi khẩn trương may xong ngôi sao vàng và hoàn thành lá cờ, mọi người trong gia đình ai cũng mừng rỡ.

“Lúc đó chị gái tôi (Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh) gấp nhỏ lá cờ lại, vừa cười vừa nói vui rất hóm hỉnh: Có chuyện lạ đời, lính Sài Gòn được phái đến nghiêm ngặt canh gác để cho Việt cộng may cờ Mặt trận giải phóng, chỉ tối mai này thôi lá cờ sẽ phấp phới bay trên cột cờ của trụ sở quận đường Ninh Hòa,” ông Hiến kể lại.

Tuy nhiên, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, hai lá cờ giải phóng ấy vẫn chưa thể tung bay. Cuộc chiến giành độc lập dân tộc tiếp tục, hai lá cờ vẫn được bảo vệ, giữ gìn cẩn thận trong căn hầm bí mật của gia đình ông Hiến, bà Bích.

Tháng 4/1975, cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Miền Nam, quân ta đến đâu, giải phóng địa bàn đến đó. Ngày 26-29/3/1975, khi các đơn vị bộ binh của Sư đoàn 10 được lệnh áp sát, hình thành 4 mũi tấn công địch, hạ quyết tâm đánh bại Lữ đoàn Dù 3 nhằm mở toang "cánh cổng thép” trên đèo Phượng Hoàng (kết nối Đắk Lắk – Ninh Hòa). Đêm 29/3, "Đèo Phượng Hoàng đỏ lửa” là hiệu lệnh để các đơn vị bộ binh Sư đoàn 10 tấn công.

Do tính chất "địch cố giữ, ta quyết chiếm" nên trận đánh kéo dài, ác liệt suốt 3 ngày đêm. Đến chiều 1/4/1975, một bộ phận lớn quân địch đã bị tiêu diệt, quân ngụy đã rệu rã tinh thần, chống đỡ yếu ớt. Chớp lấy thời cơ, Chỉ huy Sư đoàn quyết định mở trận công kích cuối cùng. Tối đó, bộ đội ta dũng mãnh áp đảo quân địch, nhanh chóng chọc thủng hệ thống phòng thủ của địch từ Tây sang Đông, loại khỏi vòng chiến Lữ đoàn Dù 3 với gần 4.000 tên địch, thu về toàn bộ trang thiết bị quân sự của chúng.

Chỉ sau vài ngày, "cánh cổng thép” của địch trên đèo Phượng Hoàng hoàn toàn bị nung chảy, mở toang cửa ngõ cho quân ta tiến về giải phóng đồng bằng. Trong khi toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở Nha Trang-Khánh Hòa rúng động, nhốn nháo thì tinh thần bộ đội của ta tăng lên rất cao. Sáng 2/4/1975, Sư đoàn 10 tiến vào hiệp đồng với đơn vị địa phương giải phóng Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa).

Nhà nhà đều treo cờ mặt trận giải phóng, có những lá cờ chuẩn bị cho Tết Mậu Thân năm 1968, cho đợt chiếm lĩnh năm 1972, nay đem ra treo còn mới nguyên.

Ngay ngày giải phóng quê hương, bà Bích đã cùng mẹ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lợn - đến trao tận tay hai lá cờ giải phóng cho chính quyền địa phương, với niềm vui quê hương được giải phóng.

“Chỉ 2 ngày sau khi tuyến phòng thủ Phượng Hoàng của địch bị phá vỡ (31/2 -2/4/1975), huyện Ninh Hòa được giải phóng. Lúc 14 giờ ngày 2/4/1975, thời khắc Sư đoàn 10 chiếm, treo cờ tại trụ sở ngụy quyền quận Ninh Hòa là giờ phút lịch sử vĩ đại, kết thúc thắng lợi 21 năm chống Mỹ cứu nước, 30 năm kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ hy sinh chống thực dân và đế quốc xâm lược của quân và dân huyện Ninh Hòa…”, trích Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa 1930-1975.

Ngày nay, khi nhắc về sự kiện trên, rất nhiều nhân chứng lịch sử đã viết lại thành các tác phẩm sách, hồi ký.

Trong bài viết “Cô giáo Oanh” của ông Trần Quốc Thông (nguyên chuyên viên Tuyên giáo Huyện ủy Ninh Hòa) thuộc cuốn tài liệu “Ninh Hòa - Những năm tháng không quên (tập 1)” do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ninh Hòa xuất bản năm 1995, cho biết, hai lá cờ mà gia đình bà Bích may trong dịp Tết Mậu Thân đã phất phới tung bay trong ngày giải phóng quê hương, ngay tại trụ sở quận Ninh Hòa.

Ông Võ Biệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho hay, để nhắc nhở các thế hệ mai sau về sự đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước, trên địa bàn phường có con đường mang tên liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh.

Trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, địa phương luôn chú trọng chăm lo đầy đủ cho gia đình có công với cách mạng, trong đó có gia đình của liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh./.