Kon Tum quy trách nhiệm 6 dự án giải ngân vốn Trung ương dưới 10%
UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc chậm giải ngân kế hoạch Ngân sách Nhà nước dẫn đến không hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết hiện toàn tỉnh có 6 dự án sử dụng vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc chậm giải ngân kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2023 dẫn đến không hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao.
[Kon Tum: Thu hồi đất của hai dự án thủy điện 10 năm không thi công]
Cụ thể, 6 dự án có mức giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn gồm dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông ĐăkBla trên địa bàn thành phố Kon Tum do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Các Công trình Giao thông, Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư (giải ngân đạt 9%); Dự án Nâng cao Năng lực Phòng cháy, Chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm Kon Tum giai đoạn 2021-2025 do Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư (giải ngân 2%); Dự án Hệ thống Thoát nước, Vỉa hè Các Tuyến đường Nội thành, thành phố Kon Tum do Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum làm chủ đầu tư (giải ngân 2%); Dự án Xây dựng Cầu và Đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư (giải ngân 2%).
Cá biệt, hai dự án nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500-Km52 do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai do Ủy ban Nhân dân huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân được vốn (tỷ lệ 0%).
Bên cạnh phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để hỗ trợ, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng cần chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công xây dựng đối với các dự án được giao làm chủ đầu tư để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023; tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân và có hình thức xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan nếu các dự án tiếp tục không có khả năng giải ngân hay không thay đổi về số liệu giải ngân sau tháng 10/2023.
Hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Kon Tum đạt khoảng gần 40%. Trong nhóm các tỉnh thuộc Tổ công tác số 5 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Kon Tum hiện đang ở nhóm thấp nhất./.