Kon Tum: Phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377
UBND huyện Đăk Tô phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu những giá trị văn hóa của Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377 để thực hiện các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, phục vụ du khách.
Xe tăng T59 số hiệu 377, đang được lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, là vật chứng xác thực chiến công to lớn "kỳ tích 1 chọi 10" của quân và dân Việt Nam nói chung và bộ đội tăng thiết giáp nói riêng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có quyết định phê duyệt Phương án Bảo vệ, Bảo quản và Phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377.
Xe tăng thứ ba được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Xe tăng T59 số hiệu 377 là xe tăng thứ 3 ở Việt Nam được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng với hai chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 và T59 số hiệu 390 thuộc biên chế Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.
Xe tăng T59 số hiệu 377 được biên chế về Trung đoàn 202, thuộc Binh chủng Tăng-Thiết giáp, đóng quân tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Tháng 5/1971, xe tăng 377 được điều động bổ sung cho Tiểu đoàn 297, Trung đoàn 203 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên. Sau khi vào Tây Nguyên, xe tăng T59 số hiệu 377 thuộc biên chế của Mặt trận Tây Nguyên (nay là Quân đoàn 3).
Năm 1972, xe tăng T59 số hiệu 377 do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển làm trưởng xe; hạ sỹ Cao Trần Vịnh là lái xe, hạ sỹ Nguyễn Đắc Lượng và hạ sỹ Hoàng Văn Ái là pháo thủ.
Rạng sáng 24/4/1972, bộ đội ta nổ súng tiến công tiêu diệt địch tại cứ điểm Đăk Tô-Tân Cảnh. Xe tăng 377 dẫn đầu đội hình tấn công căn cứ E42-Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2.
Do hỏa lực pháo binh, máy bay địch tấn công dữ dội nên xe tăng số hiệu 354 và 369 không theo kịp xe tăng 377. Phát hiện chỉ có một mình 377 của ta, địch tung 10 xe tăng M-41, M-24 chia làm 2 mũi hợp vây. Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - trưởng xe cùng đồng đội đã dũng cảm quyết chiến.
Xe tăng số hiệu 354 và 369 mở hết tốc lực để ứng cứu xe tăng 377. Đến nơi, đồng đội thấy xe tăng 377 đang bốc cháy; gần đó là 7 xác xe tăng địch đã bị tiêu diệt. Kíp lái 4 người đã anh dũng hy sinh.
Xe tăng T59 số hiệu 377 trở thành tượng đài bất tử trong chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh. Sự hy sinh anh dũng của kíp xe tăng đã góp phần to lớn và đặc biệt quan trọng vào Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh ngày 24/4 nói riêng và Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 nói chung.
Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo đà cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 9/1/2009, kíp xe tăng 377 đã được Chủ tịch nước truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị Xe tăng T59 số hiệu 377
Tại quyết định số 655/QĐ-UBND, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Phương án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377.
Phương án này nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bảo vật Quốc gia; phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác đối với Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý thức bảo vệ Bảo vật Quốc gia.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum giao Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng biện pháp phòng, chống cháy, nổ, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác cho Bảo vật Quốc gia; xây dựng nội dung, quy định đối với du khách và nhân dân khi tham quan, tìm hiểu.
Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các chuyên gia về bảo quản bảo vật định kỳ kiểm tra, đánh giá tình trạng bảo vật để có phương phù hợp; đảm bảo các điều kiện bảo quản như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tránh gây hư hại hoặc làm giảm tuổi thọ của Bảo vật Quốc gia.
Các sở, ngành liên quan ưu tiên đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật nơi lưu giữ, khu vực trưng bày để đảm bảo Bảo vật Quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.
Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan nghiên cứu những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể của Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377 để thực hiện các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, phục vụ khách du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu về Bảo vật Quốc gia. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng chương trình ngoại khóa, dã ngoại cho các trường phổ thông; tổ chức các hình thức thích hợp để cán bộ quản lý, viên chức, học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa, đưa việc tham quan bảo tàng, Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377 vào trường học.
Sở nghiên cứu những đặc trưng giá trị văn hóa phi vật thể của Bảo vật Quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377 để thực hiện các sản phẩm lưu niệm đặc trưng phục vụ khách du lịch; thường xuyên tuyên truyền về giá trị của bảo vật quốc gia trên các phương tiện truyền thông; hệ thống panô, áp phích; quét 3D, số hóa phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phục vụ du khách./.