Kinh tế Nhật Bản ghi nhận tín hiệu tích cực trong năm 2024

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số các lĩnh vực tăng lượng việc làm trong tháng 1, dịch vụ liên quan đến chất lượng cuộc sống và giải trí tăng 5,7% và thông tin và truyền thông tăng 4,5%.

Người dân mua hàng tại trung tâm thương mại ở Osaka, Nhật Bản, ngày 2/1/2022. (Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản ngày 1/3 cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống 2,4% trong tháng 1 từ mức 2,5% của tháng trước, mức cải thiện đầu tiên trong ba tháng, do có ít người bị sa thải hơn trong bối cảnh thiếu lao động.

Tỷ lệ việc làm sẵn có không thay đổi so với tháng 12 ở mức 1,27, nghĩa là cứ 100 người tìm việc thì có 127 việc làm.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, tổng số người có việc làm trong tháng 1 đã giảm 30.000 người so với một tháng trước đó xuống mức 67,61 triệu người đã điều chỉnh theo mùa, trong khi những người thất nghiệp giảm 1,2% xuống còn 1,7 triệu người.

Trong đó, 750.000 người tự nguyện bỏ việc, giảm 1,3%, và 360.000 người bị sa thải, giảm 7,7% so với tháng trước.

Một quan chức của Bộ cho rằng tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện là do tình trạng giảm số người rời bỏ công việc không tự nguyện do công ty phá sản hoặc tái cơ cấu.

Ông Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho biết: “Thị trường lao động vẫn còn thắt chặt.”

Ông nói: “Việc làm trong ngành giải trí và các lĩnh vực dịch vụ trực tiếp khác tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong khi lĩnh vực thông tin và truyền thông đang có nhiều việc làm hơn do sự phục hồi của ngành bán dẫn.”

Quan chức này cho biết số phụ nữ thất nghiệp tăng từ 60.000 lên 730.000, do ngày càng nhiều phụ nữ rời bỏ công việc để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Con số này ở nam giới giảm 90.000 xuống còn 960.000.

Tỷ lệ việc làm trên số người nộp đơn mới nhất không thay đổi do nhiều ngành công nghiệp bao gồm lĩnh vực y tế và phúc lợi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, trong khi lĩnh vực xây dựng và sản xuất không thể cung cấp cơ hội việc làm do lợi nhuận của các ngành này bị siết chặt do lạm phát gia tăng.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số các lĩnh vực tăng lượng việc làm trong tháng 1, dịch vụ liên quan đến chất lượng cuộc sống và giải trí tăng 5,7% và thông tin và truyền thông tăng 4,5%.

Trong khi đó, lời mời làm việc trong lĩnh vực sản xuất giảm 11,6%, trong khi những việc làm trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 8,8%./.