Kiều bào Pháp đánh giá cao những thay đổi trong Luật Đất đai, Nhà ở

Kiều bào cho rằng những thay đổi trong Luật Đất đai, Nhà ở sẽ thu hút Việt kiều về mua nhà và đầu tư nhiều hơn, tạo cơ hội để các doanh nhân Việt kiều đóng góp, phát triển đất nước.

Kiều bào hy vọng khi Luật Đất đai mới đi vào cuộc sống, sẽ tạo cơ hội cho bà con trở về nước đóng góp nhiều hơn cho quê hương. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, sau buổi họp trực tiếp và trực tuyến tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, diễn ra ngày 26/3, kết nối Hà Nội với các điểm cầu trên toàn thế giới, nhiều đại diện các đoàn thể, tổ chức và hội đoàn cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã bày tỏ niềm vui khi các điều luật này được đưa vào cuộc sống, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với bà con kiều bào, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, chị Nguyễn Đức Diane Thu Dung, Chủ tịch Hội Tôn vinh Văn hóa Việt (APCV), đánh giá rất cao sự quan tâm của Chính phủ đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào tại Pháp.

Chị tâm sự: "Các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ giúp cho những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài như chúng tôi có được cơ hội và thêm mong muốn trở về quê hương, hòa nhập với bà con trong nước và phát triển Việt Nam ngày một vững mạnh."

Bà Bùi Kim Tuyết, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), cũng bày tỏ hy vọng khi Luật Đất đai mới đi vào cuộc sống, vào năm 2025, sẽ tạo nhiều cơ hội cho Việt kiều sinh sống tại Pháp được về Việt Nam đông đảo hơn.

Nhân dịp này, bà Kim Tuyết cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cấp hộ chiếu để bà con có thể về mua nhà, mua đất ở Việt Nam. Theo bà, việc làm này rất quan trọng và cần thiết vì nhiều người gốc Việt đã sống rất lâu tại Pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có hộ chiếu Việt Nam và rất nhiều trong số họ đang có nhu cầu này.

Ông Phan Vinh, Phó Chủ tịch Hội những người yêu biển đảo Việt Nam tại Pháp, bày tỏ niềm phấn khởi khi thấy Nhà nước Việt Nam đưa ra chính sách mới về đất đai. Ông cho rằng những thay đổi này sẽ thu hút Việt kiều về mua nhà và đầu tư nhiều hơn, tạo cơ hội để các doanh nhân Việt kiều về nước đóng góp, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

"Tôi nghĩ rằng với các luật này, số lượng kiều bào về mua nhà và kinh doanh bất động sản sẽ đông đảo hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh," ông bày tỏ.

Các doanh nhân Việt kiều nhìn thấy nhiều cơ hội mới. (Ảnh minh họa; Vietnam+)

Đặt Luật đất đai dưới góc nhìn của những nhà quản trị kinh doanh, chị Trần Phương Trà, Phó Giáo sư ngành quản trị chiến lược Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Giám đốc Mạng lưới Chính sách kinh tế của Tổ chức Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), lại nhìn thấy nhiều cơ hội mới.

Là một trong những chuyên gia tư vấn dự án cho nhiều địa phương ở Việt Nam, chị Phương Trà cho rằng Luật đất đai sẽ góp phần tạo ra nhiều không gian sáng tạo cho các dự án mới nhằm đảm bảo quyền lợi của địa phương và cả lợi ích của nhà đầu tư kiều bào ở nước ngoài.

Chị nhấn mạnh: "Chắc chắn việc đưa vào thực thi các điều Luật này sẽ gặp khá nhiều thử thách, nhưng đây sẽ là cơ hội để chuyển từ công cụ quản lý hành chính sang sử dụng công cụ kinh tế để quản lý đất đai."

Theo chị Phương Trà, có nhiều khung quản lý vượt trội trên thế giới để tham khảo như của Ngân hàng Thế giới, hay ở các nước mới nổi như Ấn Độ, vốn có thế mạnh trong thực thi luật đất đai của họ.

Nhân dịp này, chị đã chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm thành công.

Thứ nhất là phải đưa được các đánh giá tác động về môi trường, xã hội vào dự án mà nhà đầu tư nước ngoài có quyền sử dụng đất, để vừa thu hút nhà đầu tư vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương.

Ví dụ, như nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng đường cao tốc ở Ấn Độ đã tạo ra công ăn việc làm cho 1.000 nhân công địa phương làm việc ở khu công nghiệp cạnh đường cao tốc này.

Hay ở Nhật Bản, các dự án đối tác công tư với sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần chia sẻ lợi ích với những người dân đang sinh sống tại khu vực được đầu tư, tạo cơ hội cho họ được chia sẻ nguồn lợi kinh tế sau khi dự án hoàn thành.

Thứ hai là áp dụng bài học kinh tế để thu được lợi nhuận nhiều nhất cho địa phương. Bài học của Đặc khu Hành chính Hongkong (Trung Quốc) là một ví dụ. Trong việc chuyển đổi khu công nghiệp thành khu dịch vụ văn phòng, quyền quản lý đất được chuyển về Sở Quy hoạch Hongkong và cơ quan này đã điều chỉnh được giá đất theo thị trường, từ đó địa phương được hưởng nguồn lợi lớn từ giá trị của đất.

Thứ ba là sự linh hoạt trong việc quản lý đất đai. Bài học điển hình từ Trung Quốc, quốc gia đã có sự linh hoạt trong việc chuyển đổi chính sách thực thi, lúc nới lỏng, khi thắt chặt lại, để không tạo ra sự nóng bỏng trên thị trường bất động sản khi có nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài chảy vào.

Kiều bào cho rằng Luật đất đai sẽ góp phần tạo ra nhiều không gian sáng tạo cho các dự án mới. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản diễn ra ngày 26/3 tại Hà Nội, được tổ chức bởi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội nghị nhằm phổ biến và giới thiệu những nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ VI ngày 25/12/2023 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/1/2024.

Hội nghị được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp, trực tuyến với sự tham dự của hơn 500 đại biểu tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 50 điểm cầu trong và ngoài nước, được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để bà con trên khắp thế giới có điều kiện theo dõi./.