Kiểm tra việc xử lý tham nhũng, tiêu cực tại thành phố Cần Thơ
Năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lựa chọn kiểm tra chuyên đề này tại 12 tỉnh, thành ủy nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn.
Ngày 30/7, tại thành phố Cần Thơ, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn kiểm tra số 02 của Ban Chỉ đạo, đã chủ trì hội nghị công bố Kế hoạch, Quyết định, Chương trình kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tại thành phố Cần Thơ theo Kế hoạch số 44-KH/BCĐTW và Quyết định số 45-QĐ/BCĐTW, ngày 28/5/2024 của Ban Chỉ đạo.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Dũng cho biết, năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lựa chọn kiểm tra chuyên đề này tại 12 tỉnh, thành ủy nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp của các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan.
Trưởng Đoàn kiểm tra ghi nhận Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã kịp thời triển khai, xây dựng báo cáo tự kiểm tra đúng thời gian yêu cầu. Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ cơ bản bám sát đề cương, nội dung đánh giá được kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, kết quả thực hiện của các cơ quan chức năng.
Báo cáo cũng chỉ được những hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp khắc phục, tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn.
Trưởng Đoàn yêu cầu các thành viên Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tuân thủ quy định về bảo mật thông tin, tài liệu.
Thường trực Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra sắp xếp thời gian, bố trí thành phần làm việc đúng yêu cầu, cử người có thẩm quyền, nắm rõ yêu cầu, nội dung kiểm tra để làm việc với Đoàn; bổ sung báo cáo, những vấn đề cần giải trình thêm, cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan theo yêu cầu...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố thống nhất với Kế hoạch kiểm tra, tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Trưởng đoàn và các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn kiểm tra; đồng thời khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra phối hợp chặt chẽ với Đoàn, thực hiện trung thực, đầy đủ các nội dung được kiểm tra để Đoàn hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra số 02 công bố Kế hoạch số 44-KH/BCĐTW, Quyết định số 45-QĐ/BCĐTW ngày 28/5/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chương trình kiểm tra của Đoàn tại Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ kèm theo lịch làm việc cụ thể tại các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai, quán triệt cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng bộ thành phố, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế địa phương.
Các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được thực hiện thường xuyên.
Việc xử lý các hành vi vi phạm được xử lý đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được tăng cường; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, tiêu cực được quan tâm thực hiện.
Vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường, góp phần phát huy hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mặc dù được quan tâm, nhưng từng lúc, từng nơi hiệu quả chưa như mong muốn; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các cơ quan có liên quan trong phát hiện, xử lý tham nhũng đôi lúc chưa chặt chẽ…/.