Kiểm tra, ngăn chặn một phòng khám quảng cáo không đúng sự thật
Đoàn kiểm tra yêu cầu Animo StemCell tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo trên biển hiệu, trên các trang mạng, facebook đối với các nội dung chưa được Sở Y tế xác nhận.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiểm tra phòng khám Animo StemCell, quảng cáo điều trị thoái hóa khớp gối bằng liệu pháp tế bào gốc nhưng thuốc sử dụng lại hoàn toàn không phải là tế bào gốc.
Ngày 21/5, qua nắm bắt thông tin quảng cáo trái phép trên không gian mạng, Tổ công tác đặc biệt do Sở Y tế phối hợp Phòng Y tế Quận 3, Công an Phường Võ Thị Sáu, (Quận 3) kiểm tra cơ sở mang tên “Amio StemCell=Viện Y học tái tạo Quốc tế, chữa từ gốc thoái hóa khớp gối, Bio Nano Cell – Liệu pháp tế bào vạn năng” tại địa chỉ số 256B đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
Tại địa chỉ này, Đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở có niêm yết 2 biển hiệu là “Địa điểm kinh doanh Amio Stemcell – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bệnh viện Phòng khám Điều trị Cơ xương khớp chuẩn Mỹ USAC Chiropractic” và “Phòng khám chuyên khoa Ngoại-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điều trị Cơ xương khớp USAC Chiropractic.” Phòng khám có Giấy phép hoạt động do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 30/8/2022.
Đáng chú ý, dù quảng cáo là sử dụng tế bào gốc với những từ như “Amio StemCell”, “Bio Nano Cell”, nhưng thuốc được phòng khám dùng để tiêm vào khớp gối là Ostenil Plus, khiến khách hàng dễ nhầm lẫn là được điều trị tế bào gốc.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ostenil Plus là thuốc dùng để điều trị các bệnh lý liên quan đến khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp. Ostenil Plus được sử dụng như một liệu pháp thay thế dịch khớp để giảm đau và cải thiện chức năng của các khớp bị thoái hóa, nhất là khớp gối.
Thuốc được tiêm trực tiếp vào khoang khớp bị ảnh hưởng, thường được thực hiện trong một đợt điều trị gồm 1 đến 3 mũi tiêm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Tác dụng của Ostenil Plus bao gồm giảm đau và cải thiện chức năng khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp, tăng cường sự linh hoạt và vận động của khớp, cải thiện chất lượng dịch khớp.
Ngoài việc quảng cáo không đúng về loại thuốc sử dụng, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang mở cửa hoạt động và có nhiều bệnh nhân điều trị cơ xương khớp.
Tại đây, Đoàn kiểm tra ghi nhận có nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ trị liệu, phòng tiểu phẫu, phòng trị liệu với 8 giường bệnh.
Đặc biệt, một số máy móc như: máy siêu âm xách tay, 3 máy siêu âm trị liệu, 2 máy laser trị liệu, 2 máy sử dụng sóng RF… đều chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp phép. Cơ sở cũng chưa xuất trình hồ sơ nguồn gốc máy.
Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo trên biển hiệu, trên các trang mạng, facebook đối với các nội dung chưa được Sở Y tế xác nhận.
Đồng thời, các kỹ thuật viên ngưng ngay hoạt động khám, chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề, ngưng ngay các kỹ thuật khi chưa được Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Các trang thiết bị y tế chỉ được sử dụng khi được Sở Y tế thẩm định, nhân sự hành nghề tại Cơ sở chỉ được hành nghề khi có chứng chỉ hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và đăng ký hành nghề tại Sở.
Thanh tra Sở Y tế cũng đề nghị Cơ sở cung cấp hồ sơ nguồn gốc tất cả các máy hiện đang sử dụng tại phòng khám, đồng thời mời người đại diện, các bác sỹ phụ trách chuyên môn đến làm việc.
Dự kiến, tổng mức phạt đối với cơ sở này có thể lên đến gần 200 triệu đồng, kèm hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn tối đa 4 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của bác sỹ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật trong thời hạn tối đa 3 tháng.
Qua sự việc trên, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh… rà soát lại tất cả các trang mạng quảng cáo, chỉ thực hiện quảng cáo khám chữa bệnh khi được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế, Sở Y tế cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và nội dung quảng cáo phải được Sở Y tế duyệt./.