Kiểm toán Nhà nước: Quản lý vốn trong phát triển Xanh chưa hiệu quả
Kiểm toán Nhà nước đã có những phát hiện, đánh giá và khuyến nghị hữu ích về quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng Xanh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng Xanh, bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Mục tiêu hướng tới nền kinh tế Xanh, trung hòa carbon, nhằm đạt được sự bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra việc bố trí và quản lý vốn vẫn chưa thực sự hiệu quả tại các địa phương.
Chưa hiệu quả thế nào?
Tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng Xanh giai đoạn 2016-2020. Tổng số vốn ngân sách trung ương được duyệt là 15.866 tỷ đồng (gồm 15.470 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 396 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Trong số đó, vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng, giải ngân là 12.365 tỷ đồng và vốn sự nghiệp bố trí là 357 tỷ đồng, số đã giao là 231 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân là 1.658 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu tại 29 dự án kiểm toán chi tiết cho thấy giá trị nghiệm thu theo số báo cáo và kiểm toán chênh lệch 6 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng còn lại chênh lệch 66 tỷ đồng và giá trị dự toán được duyệt chênh lệch 12 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các địa phương chưa giao hết số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương được duyệt do một số dự án không còn nhu cầu vốn hoặc chưa đầy đủ thủ tục đầu tư…
Đơn cử, vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đạt 98,4% (trong đó, số chưa giao gồm vốn ODA 56 tỷ đồng và vốn trong nước 191 tỷ đồng). Theo đó, lũy kế bố trí hằng năm đạt 97% so với số dự kiến thực hiện Chương trình và 99% so với số vốn đã giao kế hoạch.
Về tình hình giải ngân vốn nguồn ngân sách Trung ương, tính đến hết năm 2020, các địa phương thực hiện đạt 82% số vốn đã bố trí (trong đó vốn ODA đạt 12.137 tỷ đồng và vốn trong nước đạt 227 tỷ đồng). Kiểm toán chỉ ra nguyên nhân chưa giải ngân hết vốn kế hoạch do một số dự án quá thời gian giải ngân, không còn nhiệm vụ hoặc được phép giải ngân sang năm tiếp theo.
Theo phát hiện của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa rà soát và tổng hợp đối với các dự án được bố trí vốn nhưng quá thời gian giải ngân hoặc vượt so với tổng mức đầu tư điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định.
Cụ thể, có 5 dự án đã vốn trí vốn cao hơn so với tổng mức đầu tư điều chỉnh sau khi giao vốn là 71 tỷ đồng; 27 dự án với số vốn 314 tỷ đồng đã bố trí nhưng chưa giải ngân hết và quá thời gian giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công. Ngoài ra, có 8 dự án đã được bố trí vốn 225 tỷ đồng mà chưa giải ngân hết và quá thời gian giải ngân theo quy định nhưng các địa phương đã có văn bản đề xuất kéo dài tiếp tục giải ngân trong năm 2021.
Đối với 357 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, số đã phân bổ chiếm 64,7% trên số dự kiến. Số không phân bổ là 126 tỷ đồng, nguyên nhân chậm triển khai, hoặc thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp khác, hay một số nhiệm vụ kinh phí thực hiện thấp hơn dự toán.
Với nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn khác, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy có nhiều dự án các chủ đầu tư và các địa phương bố trí, giải ngân vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn khác còn thấp so với tỷ lệ số vốn ngân sách trung ương đã bố trí.
Cụ thể, có 11 dự án vốn ngân sách địa phương và vốn khác được phê duyệt đầu tư 459 tỷ đồng nhưng chưa được bố trí, trong khi vốn ngân sách Trung ương đã bố trí 1.777 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,5%; Có 6 dự án vốn ngân sách địa phương và vốn khác được phê duyệt đầu tư 1.297 tỷ đồng nhưng mới bố trí được 70 tỷ đồng và đạt 5,4%, trong khi vốn ngân sách Trung ương đã bố trí 911 tỷ đồng, đạt 100%
Bất cập về cơ chế, chính sách
Qua xem xét quá trình quản lý, sử dụng vốn của Chương trình, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách, trong đó có bất cập về thời gian hoàn thành các dự án phát triển rừng.
Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh quy định tại Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng tại Quyết định số 1205/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự án trồng rừng cần từ 4-5 năm để triển khai các bước: trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số dự án phát triển rừng mới được triển khai không đủ thời gian hoàn thành trong thời hạn thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT ngày 25/4/2017 của Bộ KHĐT về “Quy định chế độ báo cáo việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công” vẫn còn hiệu lực. Nhưng, nội dung được xây dựng căn cứ vào Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và đến nay đã được thay thế bởi Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13.
Cụ thể là một số quy định về thời hạn báo cáo, nội dung báo cáo. Như, thời hạn gửi kế hoạch đầu tư công năm sau theo Luật Đầu tư công 2014 là 31/7, theo Luật Đầu tư công 2019 là 25/8. Hay, nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn bổ sung thêm nội dung quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT đã không còn phù hợp. Do đó, yêu cầu đặt ra cần thiết phải ban hành văn bản thay thế hoặc bãi bỏ.
Để tiếp tục đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc, năm 2024, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu./.