Không thể mãi điệp khúc 'lúng túng giải ngân vốn đầu tư công'
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang có dấu hiệu chậm lại; số tiền vốn thực hiện trong 7 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Còn 5 tháng nữa là kết thúc năm niên độ nhưng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp, điều này đang cản trở tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Theo các chuyên gia, thời gian không còn nhiều nhưng các cơ quan, địa phương vẫn lúng túng và cần có những giải pháp mạnh để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang có dấu hiệu chậm lại. Số tiền vốn thực hiện trong 7 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và giảm 8,4% so cùng kỳ năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay nguyên nhân giải ngân chậm là do việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có đơn vị, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt.
Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt và đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm ở nhiều địa phương.
Cùng với đó, ngoài tác động bất lợi của thời tiết đối với các dự án trọng điểm thì những vướng mắc trong thực hiện các luật và độ trễ của các chính sách mới đang ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên, nhận định một số hộ dân phải bố trí tái định cư do thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như thời gian đảm bảo chỗ ở cho các hộ đang vướng. Cùng với đó, nhiều dự án buộc phải đẩy mạnh phần thi công để bù lại tiến độ và các chủ đầu tư phải tăng chi phí về thiết bị, nguyên vật liệu, nhân lực.
Thông tin mới đây của Bộ Tài chính cũng cho thấy hiện mới chỉ có 38/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước và vẫn còn hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết. Đây sẽ là những trở ngại cho mục tiêu hoàn thành giải ngân được ít nhất 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch của Thủ tướng giao.
Bắc Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Tính đến ngày 15/7, địa phương này chỉ đạt 10,5%. Nhiều dự án giải ngân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang thấp dưới 30%, trong đó có những dự án được giao vốn đầu năm nhưng đến nay chưa giải ngân. Ở cấp huyện, tiến độ giải ngân cũng rất chậm, mới đạt 23,6%.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đánh giá từ tiến độ giải ngân thấp ở cấp huyện, có thể thấy việc triển khai các dự án đấu giá đất ở các địa phương diễn ra rất chậm dẫn đến việc tạo nguồn thu sử dụng đất để phân bổ, giải ngân rất thấp.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đầu tư công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó, cần đẩy nhanh tiến độ khi giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương đang diễn ra ì ạch.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 26/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.
Thời gian còn lại không nhiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị người đứng đầu các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải báo cáo, làm rõ tình hình phân bổ, giải ngân dự kiến đến hết năm 2024.
"Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết," tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho hay.
Theo ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy đầu tư công, có khoảng 70% đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh; trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng vì đây là khâu khó khăn nhất trong quá trình thực hiện.
Đồng Nai là một trong những địa phương đến hết tháng 7 mới chỉ giải ngân được 28%. Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết một trong những giải pháp của tỉnh là chủ đầu tư, các đơn vị, địa phương được giao vốn đầu tư công năm 2024 phải rà soát, đánh giá và phân tích nguyên nhân, hạn chế, đề ra biện pháp thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công; xem đây là tiêu chí xếp loại hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân kiến nghị trường hợp dự án giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn trước ngày 15/11/2024 theo quy định của Luật Đầu tư công cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng có nhiều điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, để tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công, cần có một điểm mang tính chất giải pháp quan trọng là phải giảm bớt những thủ tục.
Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; liên quan đến mỏ vật liệu cơ bản như: đất, cát, sỏi; đồng thời, tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA.
"Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024. Đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo công khai, minh bạch; báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2024," Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh./.