'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học' phát huy hiệu quả điển hình
Từ khi có “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học,” các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của tổ chức Đảng hay những tiết học ngoại khóa của học sinh cũng trở nên sống động
Tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều mô hình sáng tạo vận dụng vào thực tiễn khi triển khai Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.” Trong đó, mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học” của Trường Trung học phổ thông Trần Phú (thành phố Đà Lạt) đang được nhiều người biết đến với cách làm sáng tạo, thiết thực và gần gũi với cả những em học sinh ở lứa tuổi sắp trưởng thành.
Được cô Vũ Thị Quế, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường dẫn đi tham quan “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học” trên tầng cao nhất của khối lớp học, chúng tôi mới cảm nhận hết sự sáng tạo của các thầy cô và học sinh trong vận dụng phương pháp học tập và làm theo Bác rất sống động, phù hợp với môi trường giảng dạy.
Trong một không gian chung, các thầy, cô giáo và học sinh đã bố trí thành từng góc không gian riêng, do một tổ chuyên môn phụ trách. Góc “cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác” là nơi trưng bày các bài viết, tranh, ảnh, câu nói của Bác. Góc câu lạc bộ âm nhạc có 1 sân khấu nhỏ để các thầy, cô giáo, học sinh tới sinh hoạt văn nghệ; kể chuyện, hát về Bác, ngâm thơ của Bác. Góc “tiếng Anh” có trưng bày các hình ảnh, bài viết về Bác, nhưng hoàn toàn bằng tiếng Anh... Thậm chí ngay trên tường của chiếu nghỉ cầu thang đi lên mỗi tầng các lớp học cũng treo các hình ảnh, lời dạy của Bác. Để mỗi ngày đi qua, các thầy, cô giáo, học sinh đều nhìn thấy và ghi nhớ trong lòng.
Tại không gian này, mỗi giờ ra chơi hoặc các buổi học chuyên đề, học sinh lại tới đây đọc, tìm hiểu thông tin về Bác. Nhiều tiết học ngoại khóa, các giáo viên cũng lồng ghép, giao phần bài tập, câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức tư tưởng của Bác để khuyến khích các em tìm hiểu. Còn đảng viên các chi bộ được tổ chức theo mô hình tổ chuyên môn của nhà trường cũng tới không gian này để sinh hoạt chuyên đề theo lĩnh vực mình phụ trách, tạo nên một hình thức sinh hoạt chi bộ hết sức sống động.
Cô Vũ Thị Quế cho biết, từ gợi ý của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt về việc đổi mới cách tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục việc học và làm theo Bác, sau nhiều cuộc họp bàn, cấp ủy nhà trường đã thống nhất chọn địa điểm là sảnh cao nhất trong các khối nhà để làm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học”; đồng thời phân công các chi bộ là tổ chuyên môn triển khai từng góc theo chuyên môn của mình. Đảng ủy nhà trường đã chú trọng chỉ đạo các chi bộ tổ chức các hoạt động để phát huy mô hình. Mỗi chi bộ triển khai đến nhóm chuyên môn xây dựng nội dung, cách thức tổ chức sinh hoạt, thời gian thực hiện.
Hiện nhà trường tổ chức cho học sinh sinh hoạt định kỳ trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh 1 lần/tháng, gắn với nội dung cụ thể của từng tổ, nhóm chuyên môn.Cụ thể, Tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh “Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Tổ Tiếng Anh tổ chức ngoại khóa bằng tiếng Anh với chủ đề “Tìm hiểu, quá trình hoạt động của Bác và cách Bác học ngoại ngữ”; Tổ Ngữ Văn tổ chức cho học sinh khối 10 “Thi kể chuyện về Bác”, thi viết bài cảm nhận về các tác phẩm của Bác...
Từ khi có “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học,” các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của tổ chức Đảng hay cả những tiết học ngoại khóa của học sinh cũng trở nên sống động, phong phú và có sức hấp dẫn hơn.
Điển hình là khi triển khai Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Đảng ủy-Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức triển khai rất thuận lợi, phù hợp với môi trường sư phạm. Bởi những nội dung chính của Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cũng là những nội dung thường xuyên được quán triệt trong “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.”
Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, đây là trường học đầu tiên của thành phố Đà Lạt được chọn làm đơn vị điểm, xây dựng mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua thời gian hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chọn đây là mô hình điểm để tham gia giao lưu các đơn vị điển hình tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Thời gian tới, mô hình này sẽ được tỉnh Lâm Đồng tổ chức cho các đơn vị tới học tập, nhân rộng...
Trường Trung học phổ thông Trần Phú thành lập năm 2001, hiện có quy mô 42 lớp học, gần 2.000 học sinh. Toàn trường có 94 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 58 đảng viên, sinh hoạt tại 4 chi bộ trực thuộc Đảng bộ nhà trường. Đảng bộ, chi bộ luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên mới.
Từ năm 2018 đến nay, Đảng bộ nhà trường đã kết nạp được 15 đảng viên mới. Đặc biệt, Đảng bộ nhà trường đã thành công trong việc phát triển đảng trong đối tượng học sinh: năm học 2022-2023 kết nạp được 1 đảng viên; năm học 2023 - 2024 kết nạp được 4 đảng viên là học sinh lớp 12.
Các đảng viên này được tạo nguồn, bồi dưỡng từ năm lớp 11 là những học sinh xuất sắc, có nhiều thành tích trong các phong trào của nhà trường và xã hội. Khi chuẩn bị ra trường, các em đã đủ 18 tuổi và đủ tiêu chuẩn kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Trường Trung học phổ thông Trần Phú là một trong những trường đạt chất lượng dạy và học cao nhất của tỉnh Lâm Đồng, thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi trung học phổ thông quốc gia cao nhất toàn quốc các năm 2018, 2019.
Hiện trường nằm trong các trường Trung học phổ thông trên toàn quốc được quyền ưu tiên xét tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Với thành tích đạt được, 5 năm liền tập thể nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc,” 2 lần nhận được Cờ thi đua của Chính phủ cùng nhiều Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2023, Đảng bộ nhà trường được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy Lâm Đồng, trao tặng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền từ 2018- 2022./.