Không để phát sinh “giấy phép con” trong thi hành các luật, nghị quyết
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Sáng 7/3, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết; Báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm,” “lợi ích cục bộ"
Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng.
Một nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 28/11/2023; một nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024; năm luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; bốn luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Các nghị quyết còn lại có hiệu lực ngay từ khi được Quốc hội thông qua; ngoài ra, một số điều khoản cụ thể trong luật có hiệu lực sớm hoặc muộn hơn so với hiệu lực chung của luật.
Về yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu triển khai các luật, nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung quy định trong luật, nghị quyết theo thẩm quyền; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình thi hành luật, nghị quyết trong trường hợp cần thiết theo đề nghị của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật.
Các cơ quan khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm tính khả thi, nhất quán, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.
Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm..., đồng thời, tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và có giải pháp quyết liệt để thực hiệu hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, các yêu cầu, nhiệm vụ được luật, nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý tăng cường công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định, trong đó cần đi sâu về các nội dung, chính sách mới; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định mới của luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của luật, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.
Yêu cầu tiếp theo là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm,” “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức; tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định.
Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống
Báo cáo về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật,” Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc cũng như những khó khăn xuất phát từ nội tại vấn đề nội dung giao quy định chi tiết, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện tốt công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng cho biết, nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành.
Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành. Đáng chú ý, nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế: cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn của bộ, sở, ngành địa phương được giao tham mưu tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông, Luật Căn cước …
Chính phủ tổ chức soạn thảo ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, cần kết hợp xử lý các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tham mưu, thực hiện nghiêm túc, toàn diện các nội dung tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 liên quan đến rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật.
Đặc biệt, quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để công tác triển khai bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm./.