Không để “khoảng trống” khi các luật nhà ở, bất động sản đến thời hạn thực thi
Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo không tạo ra “kẽ hở” pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2024.
Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, từ 1/8 Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2024 chính thức có hiệu lực. Để đáp ứng các điều kiện khi triển khai thi hành luật thì văn bản dưới luật cũng phải xong và có hiệu lực từ 1/8, tránh để “khoảng trống” pháp lý.
Yêu cầu đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của các luật này rất cấp bách với tinh thần sớm ngày nào tốt ngày đó. Trước áp lực đó, Bộ Xây dựng đã tham gia, tập trung xây dựng 5 nghị định, 2 thông tư và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật.
Các dự thảo văn bản nay cơ bản đã hoàn thiện và trình lại Chính phủ sau khi cuộc họp lần cuối. Tinh thần trong tháng Bảy này sẽ hoàn tất - ông Hải chia sẻ.
Cụ thể, 5 nghị định liên quan bao gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật nhà ở; Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản; Nghị định quy định chi tiết một số Điều của Luật Kinh doanh Bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Ông Hoàng Hải khẳng định cách làm lần này đổi mới và rất là kỹ. Riêng đối với dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã tổ chức thêm 3 cuộc họp với các địa phương có số lượng nhà chung cư cũ lớn để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo nhằm đảm bảo tính khả thi.
Đối với dự thảo Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội cũng đã tổ chức các cuộc họp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hoàn thiện các nội dung liên quan đến việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở xã hội để cho thuê do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ quản đầu tư.
Còn với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hoàn thiện các nội dung của dự thảo nghị định.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ có Thông tư quy định việc sử dụng kinh phí để xây dựng, điều tra thu thập thông tin, cập nhật, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về giá; hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng có Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Bộ Công an có Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở trong công an nhân dân; Bộ Quốc phòng cũng có Thông tư quy định đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách, hỗ trợ về nhà ở trong Bộ Quốc phòng.
Đối với các địa phương, Cục trưởng Hoàng Hải cho biết ngoài 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Xây dựng cũng có Bộ Xây dựng đã có công văn 837/BXD-QLN gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung vào một số nội dung. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật giao cho địa phương ban hành theo thẩm quyền thì Luật Nhà ở năm 2023 có 10 nội dung giao địa phương; Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 có một nội dung giao địa phương.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương làm song song để kịp ban hành khi các Luật có hiệu lực; đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng phổ biến các quy định của Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn cùng biết, cùng hiểu, cùng triển khai, thực hiện.
Trước nỗ lực của của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm để nhanh chóng đưa các luật này triển khai trong cuộc sống, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, cần chú ý đến tính đồng bộ của hệ thống pháp lý. Theo đó, cần lưu ý nguy cơ phát sinh “mâu thuẫn” nếu những quy định mới không đủ chặt chẽ và kết nối được đầy đủ với các điều luật hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể.
Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các Nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản.
VARS cũng bày tỏ kỳ vọng các bộ luật mới sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản nhưng cũng sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.
Ngoài quyết tâm đưa Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết, "trải đường sẵn" để các bộ luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực. Từ đó, đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới; đồng thời, nâng cao phổ biến kiến thức pháp luật thông qua việc khuyến khích tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình phổ biến cơ chế, chính sách.
Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra “khoảng trống” hay “kẽ hở” pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng đó là nâng cao khâu giám sát, có hình thức kỷ luật với các trường hợp cố tình "né tránh" gây chậm trễ trong việc thực hiện./.