Không đáp ứng đủ nhu cầu gạo, Indonesia tìm cách đa dạng hóa nguồn lương thực
Người dân Indonesia đang ăn quá nhiều gạo đến mức sản lượng trên toàn quốc không đáp ứng đủ nhu cầu khiến nhiều người đề xuất đa dạng hóa thói quen ăn uống của người dân địa phương.
Do nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, người dân Indonesia đang nỗ lực đa dạng hóa thói quen ăn uống, sử dụng các loại tinh bột khác thay thế gạo.
Người dân Indonesia đang ăn quá nhiều gạo đến mức sản lượng trên toàn quốc không đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhiều người đã đề xuất đa dạng hóa thói quen ăn uống của người dân địa phương, nhưng việc tiêu thụ gạo đã ăn sâu vào văn hóa Indonesia.
Việc chuyển sang các loại tinh bột thay thế sẽ không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc trong nông nghiệp của nước này.
Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy người dân nước này hiện nay đã ăn ít gạo hơn so với một số năm trước.
Mức tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm từ 1,7 kg/tuần vào năm 2007 xuống còn 1,5 kg/tuần vào năm 2023.
Ông Khudori, một chuyên gia nông nghiệp thuộc Hiệp hội Kinh tế Chính trị Indonesia (AEPI), chỉ ra rằng mặc dù mức tiêu thụ bình quân đầu người giảm, nhưng tổng mức tiêu thụ gạo cả nước vẫn tăng do dân số tăng. Điều đó khiến đất nước bị phụ thuộc vào số lượng hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ông Khudori cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do “các vấn đề về cơ cấu” trong nền nông nghiệp mà phải mất nhiều năm mới giải quyết được.
Việc diện tích trồng lúa bị thu hẹp trong bối cảnh một số vùng đất rộng lớn bị chuyển đổi sang các chức năng khác, là một trong những vấn đề lớn nhất làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo.
Những vấn đề khác gồm cơ sở hạ tầng thủy lợi thiếu các giải pháp cuối cùng, các chương trình của chính phủ đã mất đi sức sống trong hàng dài thủ tục hành chính và công nghệ lạc hậu.
Ông Khudori cho rằng việc giải quyết những vấn đề này sẽ đòi hỏi nhiều năm nỗ lực, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị có thể thiếu động lực cần thiết vì họ sẽ không được ghi nhận công lao cho những cải thiện chỉ xuất hiện sau nhiệm kỳ của họ.
Theo vị chuyên gia này, việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào gạo bằng cách sử dụng một loại lương thực thay thế có thể không phải là một giải pháp thực sự.
Ví dụ sử dụng bánh mỳ để thay thế sẽ chỉ khiến Indonesia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu vì đất nước vốn không phát triển sản xuất lúa mỳ.
Loại lương thực có thể thay thế được gạo phải có giá cả phải chăng, tính sẵn có và giá trị dinh dưỡng tương đương.
Người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas), Arief Prasetyo Adi, cho biết chính phủ không có chương trình chuyên dụng nào để đa dạng hóa tiêu dùng. Ông đề xuất phổ biến các sản phẩm lương thực cho người tiêu dùng địa phương, như papeda ở Papua.
Papeda là nguồn cung cấp tinh bột truyền thống cho người Papuans và Moluccans, được làm từ tinh bột cao lương, chiết xuất từ cây cọ cao lương và chế biến thành bột có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau.
Theo ông Sutarto Alimoeso, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà máy xay xát gạo và doanh nhân kinh doanh gạo Indonesia (Perpadi), bất kỳ sự đa dạng hóa lương thực nào cũng cần được bắt đầu từ cấp độ người nông dân.
Các vấn đề trong ngành nông nghiệp Indonesia thực ra đã được vạch ra rõ ràng và điều duy nhất cản trở việc giải quyết chúng là thiếu "ý chí chính trị."
Một số ý kiến khác cũng nhất trí rằng các vấn đề trong sản xuất lúa gạo của Indonesia bao gồm tình trạng thiếu đất đai canh tác, năng suất thấp và thiếu tư vấn kỹ thuật cho nông dân.
Cơ quan Bapanas dự đoán rằng chính phủ có thể sẽ phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo trong năm nay, đây sẽ là một con số kỷ lục. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 3,6 triệu tấn hạn ngạch được cấp cho việc nhập khẩu gạo./.