Khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để phục hồi sản xuất nông nghiệp
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại của mưa bão, hệ thống đê và hồ thủy lợi đã huy động toàn bộ lực lượng máy bơm để giải quyết úng lụt cho lúa và hoa màu.
Chiều ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên về một số giải pháp trước mắt khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3.
- Xin Thứ trưởng cho biết các giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai để phục hồi sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào các tỉnh gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Có hơn 124.593 ha lúa và 22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại. Trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, trong đó riêng Quảng Ninh là 1.000 lồng bè, Hải Dương 300 lồng bè...
Trên cơ sở dự báo về bão, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã họp, chỉ đạo các địa phương có các bước chuẩn bị. Ngay khi xảy ra bão, chúng ta đã có một hệ thống giải pháp giao cho các đơn vị tổ chức thực hiện và văn bản chỉ đạo xuống các địa phương. Về lĩnh vực thiên tai thì giao cho Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai chủ động bám sát tình hình.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại của mưa bão, hệ thống đê và hồ thủy lợi huy động toàn bộ lực lượng máy bơm để giải quyết úng lụt cho lúa và hoa màu. Hiện nay, các địa phương chỉ còn 85.000 ha lúa bị ngập úng, nếu đủ điện bơm tiêu úng thì trong 1-2 ngày tới sẽ cứu được số lúa bị ngập úng và ảnh hưởng của bão đến lúa và hoa màu sẽ không lớn.
Đối với những diện tích lúa và cây trồng không phục hồi được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có hướng dẫn các địa phương chuẩn bị cho xuống giống cho vụ Đông Xuân. Riêng diện tích cây ăn trái đã có hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng như chuối và cây có múi. Đối với rau màu, Cục Trồng trọt cũng chỉ đạo cung ứng giống và quy trình canh tác ngay bởi đây là đối tượng thời gian canh tác ngắn, cần chuẩn bị rau màu cho dịp Tết. Các đơn vị bảo vệ thực vật cũng tập trung giải quyết các bệnh trên cây trồng.
Đối với lĩnh vực thuỷ sản, Cục Thuỷ sản sẽ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ cơn bão số 3. Theo đó, đưa ra những hình thức lồng bè đảm bảo được an toàn, bền vững trước áp lực của bão, lũ và biến đổi khí hậu.
Đối với chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng hướng dẫn cần tập trung cho tăng đàn, tái đàn, giống, thức ăn dinh dưỡng, an toàn sinh học.
Từ đầu năm 2024 đến nay đã có những ổ dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt, tỷ lệ tiêm phòng vaccine còn rất hạn chế. Do vậy, để đảm bảo đủ thực phẩm trước, trong và sau Tết thì công tác thú y, phòng bệnh phải hết sức quyết liệt, tích cực và phải sát thực tiễn, đặc biệt là sau mưa lũ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ kinh phí, thiết bị, công nghệ... để tái thiết sản xuất nông nghiệp sau bão.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẩn trương triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đặc biệt là ổn định đời sống của bà con nhân dân đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
- Dự báo sau bão số 3 có thể ngày 11/9 tới đây còn có các đợt mưa bão mới, vậy thì trong bối cảnh đó ngành nông nghiệp sẽ chủ động có những giải pháp và khuyến cáo gì để ứng phó với tình hình này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có thể sẽ có những kịch bản mưa bão khác xảy ra, do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử các đoàn công tác đi các địa phương như: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm trưởng đoàn công tác đi Phú Thọ, Lào Cai; các Thứ trưởng khác đi các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn...
Như vậy, cùng với yêu cầu thực tiễn đặt ra và dự báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ sát với thực tế và đảm bảo hiệu quả cao nhất.
- Thuỷ sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, vậy sắp tới Bộ sẽ có giải pháp gì hỗ trợ với các doanh nghiệp, người dân sắp tới?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Thủy sản chuẩn bị tổ chức sớm hội nghị phục hồi nuôi, trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản trên biển đồng thời huy động các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hỗ trợ con giống, thức ăn, thiết bị... cho các doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão. Chúng tôi chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chia sẻ cùng với các địa phương đang bị thiệt hại và chúng ta sẽ phục hồi sớm được sản lượng thuỷ sản.
Chúng ta đang từng bước đạt mục tiêu của Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
- Thưa Thứ trưởng, những thiệt hại do bão gây ra liệu có ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2024 của ngành nông nghiệp?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có sự đóng góp của các mặt hàng lớn như: Gỗ đạt 10,2 tỷ USD, tăng 20,6%; rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6%; càphê đạt 4,03 tỷ USD, tăng 36,1%; thuỷ sản đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; lúa gạo đạt 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%...
Trong những tháng tới chắc chắn tình hình mưa bão sẽ có ảnh hưởng đến sản lượng của một số mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, chúng ta đã ký được nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, khỉ, sầu riêng đông lạnh, dừa (diện tích 191.000 ha và sản lượng 2 triệu tấn/năm) sang Trung Quốc. Đây là những ngành hàng có thể bù đắp cho sự thiếu hụt do ảnh hưởng của bão.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các địa phương đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phấn đấu đạt mức cao nhất trong kết quả xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của năm 2024.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!