Khám phá vai trò của di sản truyền thống trong nghệ thuật đương đại Việt Nam
Nền hội họa Việt Nam đã có nhiều nghệ sỹ thành danh trên thị trường quốc tế nhờ những sáng tạo dựa trên truyền thống. Song, các chuyên gia cho rằng kế thừa từ di sản là không đủ để tạo nên dấu ấn.
Văn hóa truyền thống và di sản mỹ thuật đồ sộ kết tinh qua nhiều giai đoạn lịch sử là kho tàng phong phú để các nghệ sỹ đương đại tìm kiếm ý tưởng cho các tác phẩm của mình. Thực tế, Việt Nam đã có nhiều nghệ sỹ thành danh nhờ những sáng tạo dựa trên truyền thống.
Đó là nhận định của họa sỹ Đặng Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam trong tọa đàm nghệ thuật “Đương đại trên nền di sản” diễn ra ngày 7/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.
“Di sản của dân tộc là chất liệu nền tảng cho các nghệ sỹ Việt ngày nay. Mỹ thuật Việt có ‘tiếng nói’ trong khu vực là nhờ nền tảng ấy. Tôi rất trân trọng những người khởi nguồn tác phẩm bằng chất liệu của truyền thống,” họa sỹ Đặng Xuân Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, để khẳng định tên tuổi của bản thân, cũng như định hình được vị thế của nền mỹ thuật hiện đại nước nhà thì các nghệ sỹ cần có bản sắc cá nhân trong tác phẩm.
Theo họa sỹ Đặng Xuân Hòa, trong thời đại công nghệ số phát triển sôi động như hiện nay, nếu không đủ bản lĩnh thì người nghệ sỹ dễ bị phân tâm, có những lúc “nao núng” với hướng đi của mình.
“Phải thật khát khao và lao động miệt mài hơn nữa thì nghệ sỹ mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm chạm vào cảm xúc người xem,” ông Hòa nói.
Dưới góc độ là nhà sưu tập, bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery cùng chung quan điểm.

Bà Hằng cho rằng các tác phẩm nghệ sỹ cần phải mang tinh thần của nghệ sỹ, phải xuất phát từ nhu cầu, tình cảm của người nghệ sỹ. Họ vẽ cho mình chứ không phải vẽ cho khách hàng hay cho giới sưu tập.
“Chỉ khi người nghệ sỹ vẽ bằng cảm xúc của mình thì công chúng mới có thể nhận ra từng nhát bút, từng vệt màu có nội lực hay không, từ đó họ có thể cảm nhận năng lượng tỏa ra từ tác phẩm,” bà Hằng nói.
Trở lại câu chuyện kế thừa di sản, bà Hằng cho rằng nghệ sỹ ngày nay không thể chỉ “quanh quẩn” với vài ba biểu tượng di sản mà cần phải có sự phát triển.
“Những tín hiệu về di sản không mang đến cho tác phẩm sự sâu sắc cần thiết. Nghệ sỹ cần đưa vào sự trải nghiệm cá nhân và những sáng tạo khác. Kiến thức sẽ được dẫn dắt bằng sự tìm tòi. Tôi cho rằng để làm nên dấu ấn cho tác phẩm thì tính cá nhân quan trọng hơn là sự kế thừa di sản,” bà Hằng nói./.