Khai thác tiềm năng hợp tác giữa địa phương Việt Nam với Quảng Đông

Tiềm năng của Quảng Đông là rất lớn, do vậy các địa phương của Việt Nam và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đều cùng có nhiều cơ hội khi hợp tác với nhau.

Ông Vũ Việt Anh - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: Mạc Luyện/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ông Vũ Việt Anh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, cho biết Quảng Đông là tỉnh lớn nhất và kinh tế mạnh nhất Trung Quốc.

Nếu nói Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” thì Quảng Đông chính là “công xưởng của Trung Quốc.”

Do đó trong 3 năm qua, mặc dù Trung Quốc thực hiện chính sách phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhưng Tổng lãnh sự quán đã khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc nói chung và tranh thủ khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Đông nói riêng để phục vụ phát triển đất nước.

[RCEP đang mang lại cơ hội cho Quảng Đông và các địa phương Việt Nam]

Tổng lãnh sự Vũ Việt Anh cho biết tỉnh Quảng Đông có 126 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 1.900 tỷ USD, 34 năm liên tục đứng đầu cả nước.

GDP của tỉnh Quảng Đông cao ngang với Hàn Quốc. Tỉnh này tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ vi sinh và công nghệ điện tử viễn thông...

Có thể nói tiềm năng của Quảng Đông là rất lớn, do vậy các địa phương của Việt Nam và Quảng Đông đều cùng có nhiều cơ hội khi hợp tác với nhau.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Vũ Việt Anh (đứng giữa) tại cuộc Hội thảo xúc tiến du lịch. (Ảnh: Tổng lãnh sự quán Việt Nam cung cấp)

Về mặt pháp lý, ngoài khuôn khổ chung là các thỏa thuận, hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và tỉnh Quảng Đông còn có cơ chế Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, được thiết lập từ năm 2009, họp định kỳ hằng năm do cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và cấp Phó Tỉnh trưởng Quảng Đông chủ trì, với một trong những nội dung trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Đây còn là cơ chế hiệu quả để thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông.

Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và Quảng Đông có quá trình lâu dài và đạt nhiều thành tựu.

Hiện tại, hợp tác giữa hai bên chủ yếu có 3 mảng nổi bật, gồm thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, đầu tư và hợp tác nhận thầu công trình quốc tế.

Về thương mại, năm 2022, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Việt Nam-Quảng Đông đạt 47 tỷ USD, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 22 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Vũ Việt Anh (ngồi ngoài cùng bên phải) trong cuộc làm việc với Tập đoàn Metro Quảng Châu. (Ảnh: Tổng lãnh sự quán cung cấp)

Tương tự, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Quảng Đông đạt 10,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 4,57 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,62 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp ở Quảng Đông đã đầu tư vào Việt Nam hàng tỷ USD.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam khoảng 500 triệu USD.

Dự án hợp tác đầu tư tiêu biểu là Khu hợp tác Kinh tế Thương mại Thâm Quyến-Hải Phòng do công ty Shenzhen Shen Yue Joint Investment đầu tư.

Về nhận thầu công trình, các doanh nghiệp ở Quảng Đông rất nổi tiếng về xây dựng cơ sở hạ tầng như tàu điện ngầm, cầu và đường, các nhà máy chế biến chế tạo.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm doanh số các doanh nghiệp Quảng Đông nhận thầu xây dựng ở Việt Nam vào khoảng 500 triệu USD.

Cũng theo Tổng lãnh sự Vũ Việt Anh, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều biến chuyển, kinh tế thế giới có nhiều điểm mong manh, cả kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có những bước phát triển chưa vững chắc trong quý 1/2023, việc thúc đẩy kinh tế với Quảng Đông làm sao cho tận dụng được thế mạnh của tỉnh này để giúp cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam là một đòi hỏi hết sức cấp bách, nên trong thời gian qua Tổng lãnh sự quán đã tập trung vào 3 mặt công tác có thể phục vụ tốt nhất cho lợi ích phát triển kinh tế Việt Nam.

Tổng lãnh sự quán đã theo dõi sát số liệu kinh tế cũng như chính sách của chính quyền Quảng Đông trong phát triển kinh tế-xã hội để tham mưu với trong nước, đề ra chính sách phù hợp trong thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai bên; tăng cường tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư Trung Quốc có công nghệ tiên tiến, mong muốn đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích họ đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao như phát triển xanh, phát triển bền vững, năng lượng mới, công nghệ y sinh.

Ông Nguyễn Duy Phú - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (đứng giữa) - trong cuộc làm việc với Hiệp hội ngành hàng yến sào tỉnh Quảng Đông tại Quảng Châu. (Ảnh: Thương vụ cung cấp)

Tổng lãnh sự quán cũng đã hỗ trợ các địa phương, các bộ ngành, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam rất muốn xuất khẩu như thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp, hoa quả, để tăng thu nhập cho người dân trong nước và các doanh nghiệp.

Theo Tổng lãnh sự Vũ Việt Anh, mặc dù Tổng lãnh sự quán chủ động, linh hoạt trong triển khai các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hiệu quả cao nhất, nhưng các cuộc tiếp xúc, liên lạc, các sự kiện để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì chính sách phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Trong năm 2022, Tổng lãnh sự quán đã trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức một số hoạt động hội thảo, hội nghị, giao thương doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư với tỉnh Quảng Đông.

Tháng 6, Tổng lãnh sự quán đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Hy đồng chủ trì.

Ngoài ra, còn các Hội thảo bàn tròn xúc tiến du lịch vào tháng 6, hội thảo xúc tiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào tháng 7, hội thảo xúc tiến xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào tháng 8, hội thảo về cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 9 và hội thảo thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam vào tháng 10.

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước mở cửa với bên ngoài, hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Trung Quốc từng bước sôi động trở lại.

Bước sang năm 2023, Tổng lãnh sự quán tiếp tục chỉ đạo các bộ phận tích cực triển khai hoạt động bám sát các định hướng chủ yếu đã được xác định gồm: nghiên cứu, cập nhật thông tin, chính sách về kinh tế, thị trường Quảng Đông để báo cáo, tham mưu, đề xuất với trong nước; đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, đặc biệt là tìm kiếm đối tác địa phương phân phối hàng hóa nông sản Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; chủ động phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam triển khai các nội dung, chương trình, dự án hợp tác với sở tại.

Ông Nguyễn Duy Phú - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (đứng thứ 4 tính từ bên phải) - trong cuộc làm việc với Đại diện ban tổ chức Hội chợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế Trung Quốc (CISMEF) tại Quảng Châu. (Ảnh: Thương vụ cung cấp)

Tổng lãnh sự quán cũng chỉ đạo các bộ phận tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Phú Thọ, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với tỉnh Quảng Đông.

Ở chiều ngược lại, trong thời gian vừa qua, Tổng lãnh sự quán cũng tích cực trao đổi, thúc đẩy để tăng cường cơ hội giao lưu, trao đổi song phương, tạo môi trường thuận lợi và cú hích cho hợp tác giữa hai bên, trong đó trọng tâm là hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư.

Tổng lãnh sự quán cũng hỗ trợ, tư vấn để nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như BYD, Mindray, BGI... đầu tư sang Việt Nam với những dự án lớn, chất lượng cao (sản xuất ôtô điện, sản phẩm y sinh...).

Tổng lãnh sự Vũ Việt Anh tin tưởng rằng trong tình hình và bối cảnh mới, mặc dù khó khăn và thuận lợi đan xen, song với sự quyết tâm và chủ động, linh hoạt của cơ quan, công tác ngoại giao kinh tế của Tổng lãnh sự quán trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu được những kết quả tốt đẹp hơn nữa.

Ông Nguyễn Duy Phú - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu - cho biết trong thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu luôn phối hợp chặt chẽ, tích cực với bộ phận kinh tế trong cơ quan Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu nhằm đẩy mạnh ngoại giao kinh tế tại địa bàn.

Về công tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ thường xuyên tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh, kết nối cung cầu các sản phẩm cụ thể giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2022 vừa qua, Thương vụ cũng đã hỗ trợ liên hệ, giao thiệp với cơ quan quản lý của chính quyền tỉnh Quảng Đông giúp doanh nghiệp Việt Nam giải quyết một số vụ tranh chấp thương mại với doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông, điển hình là vụ tranh chấp thương mại giữa Công ty Cổ phần Thế kỷ của Việt Nam và Công ty Wanji Đông Quản tỉnh Quảng Đông và vụ việc của Công ty thương mại Trung Huy của Việt Nam với Công ty JK Thâm Quyến.

Ông Nguyễn Duy Phú cho biết trong năm 2023, Thương vụ dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng lãnh sự quán sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Việt Nam tham gia Hội chợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 18 (CISMEF) và Diễn đàn Quốc tế Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (SME) lần thứ 2 tại Quảng Châu từ 27-30/6.

Việt Nam năm nay tham gia với tư cách quốc gia khách chính.

Dự kiến lãnh đạo Bộ Công Thương làm trưởng đoàn sẽ sang tham gia các hoạt động quan trọng. Trong khuôn khổ hội chợ và diễn đàn, Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Việt Nam, dự kiến trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác song phương giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc; tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và tỉnh Quảng Đông.

Ngoài ra, Thương vụ đã và đang phối hợp với công ty Vinexad tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Quảng Châu tham gia Hội chợ Quốc tế Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSRE) Quảng Đông Trung Quốc 2023 tổ chức từ 2-4/6.

Hội chợ Nghề cá và Thủy sản Quốc tế Quảng Châu 2023 (Guangzhou Fishex) tổ chức từ 15-17/9.

Hội chợ Thực phẩm và Hội chợ Rau quả Quốc tế Trung Quốc tại Quảng Châu 2023 và Food2China Expo được tổ chức đồng thời từ 21-23/9.

Ở chiều ngược lại, Thương vụ cũng đã hỗ trợ kết nối để công ty Vinexad mời Hiệp hội Ứng dụng Kỹ thuật logistics Quảng Châu dự kiến tổ chức đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đi Việt Nam tham gia Hội chợ Logistics Việt Nam vào tháng 8/2023.

Hội chợ Xúc tiến Thương mại Quốc tế (CCPIT) tỉnh Quảng Đông và Hội chợ Xúc tiến Thương mại Quốc tế (CCPIT) thành phố Quảng Châu mời gọi doanh nghiệp Trung Quốc đi Việt Nam tham gia Hội chợ Food Expo Việt Nam vào tháng 11/2023.

Về xúc tiến thu hút đầu tư vào Việt Nam, ngày 27/2 vừa qua tại Thâm Quyến, Thương vụ đã phối hợp các đơn vị xúc tiến đầu tư bên Trung Quốc tham gia hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam và tổ chức đoàn doanh nghiệp Trung Quốc gồm 50-60 người đi Việt Nam khảo sát đầu tư.

Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Duy Phú cho biết Quảng Đông tuy là một tỉnh của Trung Quốc, song cũng là một thị trường có quy mô rất lớn, nhu cầu cũng lớn và đa dạng.

Về cơ cấu hàng hóa, ngoài máy móc thiết bị và linh phụ kiện chiếm tỷ trọng đa số ra, thị trường tỉnh Quảng Đông có nhu cầu nhất định đối với gạo, thủy sản, trái cây, thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tỉnh Quảng Đông chủ yếu có các nhóm hàng hóa sau: thủy sản, rau củ quả và sản phẩm, thực phẩm chế biến; nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, nhóm sản phẩm dệt may, máy móc, điện khí...

Cùng kỳ, những mặt hàng và nhóm mặt hàng Việt Nam quan tâm và thúc đẩy nhiều như gạo xuất khẩu đạt kim ngạch 225,76 triệu USD, tăng 4,46%; thủy sản các loại xuất khẩu đạt 440,28 triệu USD, tăng 50,8%; thanh long tươi xuất khẩu đạt kim ngạch 122 triệu USD, giảm 17,4%; chuối xuất khẩu đạt kim ngạch 25,1 triệu USD, tăng 46%; sầu riêng tươi xuất khẩu đạt kim ngạch 28,7 triệu USD, tăng 100%.

Theo ông Nguyễn Duy Phú, để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương Việt Nam-Quảng Đông, trong đó có thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tỉnh Quảng Đông, Việt Nam cần tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ song phương với tỉnh Quảng Đông, khai thác, phát huy tốt vai trò của cơ chế họp hợp tác song phương định kỳ Việt Nam-Quảng Đông nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam phải tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh, đồng thời phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư tại thị trường Quảng Đông, đẩy mạnh tiếp thị, kết nối cầu sản phẩm, nhu cầu đầu tư giữa Việt Nam với Quảng Đông./.

Mạc Luyện-Bùi Phóng-Thạch Bình (TTXVN/Vietnam+)