Khai mạc Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam...
Ngày 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Đức) tổ chức Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối trên biển-Tăng cường gắn kết toàn cầu.”
Dự Diễn đàn có đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cùng đại diện một số địa phương.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng từ khi được thành lập đến nay, Diễn đàn Đối thoại Biển đã phát triển toàn diện, gồm cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về việc cần tìm hiểu rõ hơn về lĩnh vực hàng hải vốn đang thay đổi phức tạp và nhanh chóng.
Đối thoại Biển qua các kỳ đã được đông đảo chuyên gia, người làm chính sách trong khu vực đón nhận một cách nồng nhiệt, xem đây là cuộc thảo luận sôi nổi về một loạt các vấn đề quan trọng liên quan đến hàng hải, là nơi gieo mầm nhiều ý tưởng sáng tạo mới.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về kết nối hàng hải, hứa hẹn đem đến sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, ông Nguyễn Minh Vũ cho biết, với tư cách là quốc gia thương mại, Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế.
Kim ngạch thương mại của Việt Nam chiếm tỷ trọng quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với thương mại đường biển sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam xem việc đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế là điều cần thiết, một giá trị quan trọng. Là quốc gia ven biển, sử dụng biển, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải. Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào an toàn, an ninh của các hành lang hàng hải.
Việt Nam cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tin rằng việc tôn trọng UNCLOS 1982 là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, nhiệm vụ của Diễn đàn là nhìn nhận tất cả khía cạnh của kết nối hàng hải, vạch ra các thách thức và rào cản, đồng thời cùng nhau đưa ra các ý tưởng đổi mới, đề xuất khả thi để giữ cho biển, đại dương luôn rộng mở, ổn định và bền vững trên nhiều phương diện: Vật lý, thủ tục, kỹ thuật số hoặc văn hóa. Chúng ta đang phải phải đối mặt các thách thức lớn trong việc bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên và các tiềm năng của biển, nhưng thông qua đối thoại, hợp tác, có thể tạo ra con đường đi đến thiết lập một hệ sinh thái đại dương bền vững và thịnh vượng cho tất cả.
Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 gồm 4 phiên với các chủ đề “Kết nối các tuyến đường biển trọng yếu để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu," “Cảng biển thông minh bền vững: xu hướng không thể đảo ngược trong nền kinh tế biển xanh,” “ Kết nối hạ tầng trên biển trong kỷ nguyên số” và “Kết nối mạng lưới hành lang xanh trên không gian biển”./.