Khắc phục điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Hiện tại, các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tích cực có nhiều giải pháp khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Đến thời điểm này đã qua nửa đầu năm 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân khách quan chủ yếu vẫn do giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn; khan hiếm nguyên vật liệu cát san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn...
Hiện tại, các địa phương vẫn đang tích cực có nhiều giải pháp khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Giải phóng mặt bằng gặp khó
Tính đến giữa tháng 7/2024, tỉnh Đồng Tháp giải ngân được trên 2.800 tỷ đồng, đạt 40,55% và đạt 41,27% so với Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó, tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn 12,55% so với tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm của cả nước nhưng thấp hơn 8,38% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp, việc giải ngân chậm tiến độ là do nguồn cung ứng cát cho các dự án, công trình đang gặp nhiều khó khăn; giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm, chưa đúng với kế hoạch đề ra.
Mặt khác, một số địa phương được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm, phối hợp chưa chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh cũng như thực hiện chưa quyết liệt, làm phát sinh khiếu nại...
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ cho rằng kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2024 mặc dù có tăng so với các năm trước về giá trị nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn phải điều chỉnh, điều chuyển vốn so với kế hoạch đầu năm.
Nguyên nhân khách quan chủ yếu cũng từ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; khan hiếm nguyên vật liệu cát để san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn...
Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2024 tỉnh Đồng Nai đang triển khai 16 dự án trọng điểm; trong đó, có nhiều dự án lớn như: đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, kè sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, các dự án kể trên được bố trí nguồn vốn đầu tư công lớn trong năm 2024 nhưng nửa đầu năm đa số các dự án vẫn giải ngân còn thấp so với kế hoạch.
Tính đến hết ngày 30/6/2024, các đơn vị chủ đầu tư đã giải ngân gần 2.700 tỷ đồng, đạt hơn 21% so với kế hoạch được giao.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết nhiều dự án bố trí vốn khởi công mới đang ở khâu thiết kế, thi công và dự toán nên khối lượng thanh toán các chi phí tư vấn không nhiều.
Đặc biệt, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu; trong đó, nguyên nhân khách quan gồm đo vẽ, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian.
Nhiều hộ dân sang nhượng giấy tay và chưa đồng thuận với giá bồi thường nên có khiếu nại. Thiếu nguồn vật liệu đất đắp, bãi đổ thải cũng ảnh hưởng đến thi công.
Đại diện một số đơn vị chủ đầu tư chia sẻ, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện vẫn là giải phóng mặt bằng để thi công dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm không đạt kế hoạch giải ngân vốn, dù các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đã vào cuộc triển khai rầm rộ các đợt tăng tốc giải phóng mặt bằng...
Nỗ lực nhiều giải pháp
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thời gian tới các đơn vị giải ngân thấp trong tỉnh cần rà soát vướng mắc, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện tốt phân công, phân việc từng công trình; chủ động liên hệ với các sở, ngành liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc; chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân của từng dự án.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra một số giải pháp như tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả để quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình quan trọng, dự án trọng điểm (nhất là các dự án liên vùng, liên huyện, liên xã; sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ...) kết nối, có tác động và ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong nửa cuối năm 2024, theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động rà soát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân kế hoạch vốn đã giao theo đúng quy định.
Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên...
Tại tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổ chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm để thường xuyên giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án giải ngân đúng kế hoạch, tiến độ, không để xảy ra nợ đọng.
Các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, các huyện, thành phố cũng ký kết giao ước thi đua, cam kết tỷ lệ giải ngân trong năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương phải lập chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Khi đã lập kế hoạch thì phải tuân thủ thực hiện kế hoạch của từng tháng, từng quý, tránh tình trạng đầu năm rảnh rang cuối năm phải chạy đua như những năm trước.
Thực tế, trong hai tháng liền vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai kế hoạch 30 ngày đêm bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc, đường lớn ở địa phương. Nhờ vậy, mặt bằng được bàn giao thêm, tiến độ dự án được đẩy nhanh, giải ngân trong tháng 6 và tháng 7 cũng khởi sắc hơn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết các đơn vị chức năng, các địa phương, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu cũng tập trung tăng thêm nhân sự để giải phóng mặt bằng, thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án để tăng giải ngân.
Các dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa... thời gian qua mặt bằng đã bàn giao nhiều hơn, tỷ lệ giải ngân tăng có chuyển biến./.