Kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế xác nhận hành vi chiếm đóng của Israel
Liên đoàn Arab (AL) và Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra lập trường về việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine.
Ngày 26/2, Liên đoàn Arab (AL) và Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) coi việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine là bất hợp pháp.
Trước đó, tại La Haye (Hà Lan), ngày 19/2, ICJ - Tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc - đã mở phiên tòa để đánh giá những hậu quả pháp lý của việc Israel thực thi chính sách và hoạt động chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem.
Israel không cử đại diện tham dự, nhưng gửi văn bản liên quan đến vụ việc. Trong suốt phiên tòa, các thẩm phán ICJ đã lắng nghe trình bày của đại diện hơn 50 quốc gia về vấn đề này.
Trong ngày thứ Sáu và cũng là ngày cuối cùng của phiên tòa, Tổng Thư ký AL, ông Ahmed Aboul Gheit kêu gọi ICJ xác nhận hành vi chiếm đóng của Israel là bất hợp pháp và đưa ra phán quyết rõ ràng về hậu quả pháp lý cho tất cả các bên, đặc biệt là những bên đã phớt lờ, hỗ trợ hoặc tham gia bằng bất kỳ hình thức nào vào việc kéo dài tình hình trạng bất hợp pháp này.
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Yildiz khẳng định việc chiếm đóng chính là gốc rễ của xung đột trong khu vực.
Ông cũng đề cập đến xung đột giữa phong trào Hamas và Israel. Theo ông, những diễn biến sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 đã lần nữa chứng minh rằng sẽ không có hòa bình trong khu vực, nếu không giải quyết tận gốc xung đột Israel-Palestine.
Ông nhấn mạnh hành vi chiếm đóng này là rào cản thực sự đối với hòa bình và hối thúc các thẩm phán tuyên bố đây là hành vi trái phép.
Tuần trước, các đại diện của Palestine đã đề nghị các thẩm phán tuyên bố việc Israel chiếm đóng lãnh thổ của họ là bất hợp pháp, đồng thời cho rằng lập trường này sẽ giúp đạt được giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài nhiều thập kỷ.
Hồi tháng 12/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu ICJ đưa ra một "ý kiến tham vấn" không mang tính ràng buộc về những "hậu quả pháp lý phát sinh" từ các chính sách mà Israel thực hiện ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem.
Mặc dù mọi ý kiến của ICJ đều sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý, song phiên tòa nói trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép đối với Israel liên quan đến cuộc xung đột với Hamas ở Gaza.
Sau phiên tòa, các thẩm phán ICJ sẽ tiếp tục thảo luận trong khoảng 6 tháng trước khi đưa ra ý kiến tham vấn chính thức./.