Kết quả điều tra dư luận xã hội góp phần giải quyết thỏa đáng nhiều vụ việc
Tại tọa đàm về đổi mới, nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, các đại biểu đánh giá nhận thức của chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này.
Ngày 29/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Dự tọa đàm có lãnh đạo Viện Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại tọa đàm, bà Phạm Thu Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết Viện là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trong tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Để chuẩn bị cho việc tổng kết, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức khảo sát tại 9 địa phương, đơn vị và tổ chức các buổi tọa đàm nhằm lắng nghe các ý kiến, góp sức của các địa phương vào xây dựng Đề án tổng kết 10 năm Kết luận 100-KL/TW.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm khi các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW; đánh giá nhận thức của chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Các đại biểu cũng tập trung chia sẻ về hình thức, phương pháp, phương thức điều tra dư luận xã hội trên địa bàn với những mô hình cụ thể; việc xây dựng kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tại địa phương, đơn vị.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thọ Truyền cho biết qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đặc biệt coi trọng công tác dư luận xã hội. Qua đó, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở chủ động xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, chuyên đề ở cấp mình nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội.
Theo ông Nguyễn Thọ Truyền, nhiều nội dung phản ánh và kết quả điều tra dư luận xã hội có tính phản biện cao, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm sử dụng để giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhiều vấn đề, vụ việc, góp phần ổn định tình hình chính trị, tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội./.