Kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch triển khai các dự án năng lượng tái tạo
Việt Nam mong muốn Đan Mạch hỗ trợ về công cụ, chuyên gia, công nghệ, giải pháp để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, phát triển tối đa năng lượng tái tạo...
Trưa 13/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Mette Ekeroth và Chủ tịch Tập đoàn Vestas Anders Runevad.
Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác toàn diện, hỗ trợ của Đan Mạch dành cho Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trên cơ sở hợp tác với các nước G7, Đan Mạch và các đối tác quốc tế.
Trọng tâm thực hiện là chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng...
"Đan Mạch có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, tài chính để Việt Nam thực hiện các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng," Phó Thủ tướng trao đổi.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 với nhiệm vụ quy hoạch nguồn điện dựa trên nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế; cơ cấu phù hợp, cân bằng, ổn định giữa các loại nguồn điện (nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió), bảo đảm an toàn hệ thống cũng như tối ưu hiệu quả đầu tư, kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, những giải pháp để lưu trữ điện năng, sản xuất và sử dụng hydro xanh, amoniac xanh hay kết hợp với thủy điện tích năng của các nguồn năng lượng tái tạo đều cần đến công nghệ.
Do đó, Việt Nam mong muốn Đan Mạch hỗ trợ về công cụ, chuyên gia, công nghệ, giải pháp để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, phát triển tối đa năng lượng tái tạo, chuyển đổi nhanh từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới về điện lực nhằm thúc đẩy năng lượng sạch, mua bán điện theo thị trường, trong đó có mua bán điện trực tiếp...
Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, hai bên tiếp tục đưa ra những ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện lực, năng lượng, kinh tế tuần hoàn, thị trường carbon...; kết nối doanh nghiệp hai nước cùng hợp tác, triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Về một số đề xuất cụ thể của lãnh đạo Tập đoàn Vestas, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch Điện 8 không giới hạn phát triển các nguồn điện tái tạo phục vụ cho xuất khẩu, sản xuất hydro, mua bán điện trực tiếp.
Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp có năng lực, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư vào những dự án cụ thể, đặt nền móng phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp phần cùng Chính phủ điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Mette Ekeroth khẳng định, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch có ý nghĩa hết sức quan trọng để hai nước nâng quan hệ hợp tác lên tầm cao mới trong phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Đan Mạch cũng tự hào là một đối tác cung cấp các hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật giúp Việt Nam xây dựng báo cáo triển vọng năng lượng, nhằm sớm triển khai Quy hoạch Điện 8, cùng cam kết trong khuôn khổ JETP.
Đánh giá cao ưu tiên phát triển ngành năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện 8, Chủ tịch Tập đoàn Vestas Anders Runevad cho biết, Tập đoàn đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, lắp đặt thành công khoảng 1.400 MW tua bin điện gió.
Vestas mong muốn tiếp tục đóng góp vào chiến lược đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo của khu vực với sự tham gia của các công ty sản xuất thiết bị và nhà phát triển dự án điện gió./.