Kênh tương tác hai chiều giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào khai thác từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định kinh doanh.

Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan. (Ảnh minh họa: Thái Thuần/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ cho biết việc tham vấn ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp khi rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa và xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định kinh doanh thời gian qua đã được thực hiện tích cực, thường xuyên hơn.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được Văn phòng Chính phủ đưa vào khai thác từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định kinh doanh.

Kênh tương tác hai chiều với cơ quan nhà nước này đã giúp người dân, doanh nghiệp góp ý các quy định kinh doanh dự kiến ban hành, theo dõi việc giải trình, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành.

[Cổng tham vấn quy định kinh doanh: Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp]

Đồng thời, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh hiện hành, hỗ trợ tổng hợp, phân tích dữ liệu phản ánh, kiến nghị, giúp phát hiện vấn đề còn tồn tại, bất cập để có phương án giải quyết xử lý, khơi thông, bãi bỏ các quy định là rào cản hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được tham vấn người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản, gửi ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và gửi vướng mắc, đề xuất về quy định kinh doanh tới các bộ, ngành.

Một số bộ, cơ quan đã thực hiện tham vấn lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh như: Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng, nhưng tỷ lệ số phương án cũng như số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định kinh doanh dự kiến ban hành được tham vấn trên Cổng vẫn còn thấp. Các bộ tích cực tham vấn là: Tài chính, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc quản lý, theo dõi quá trình thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được đưa lên môi trường điện tử giúp các bộ, cơ quan và người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của từng bộ, ngành đối với 3 nhóm chỉ số thành phần (công khai, minh bạch; kết quả cải cách; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp) theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)