Kênh bán hàng online thay đổi chiến lược doanh nghiệp logistics

Bán hàng online từng bước đã gắn liền với hành vi tiêu dùng, nên những đơn bị nào cung cấp sản phẩm chất lượng, chuyển phát nhanh... sẽ chiến thắng trên cuộc đua đến trái tim người tiêu dùng.

(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành logistics sẽ đóng góp từ 5 - 6% vào GDP, với tốc độ tăng trưởng đạt từ 15 - 20%. Theo đó, cùng với tiềm năng phát triển rộng mở của lĩnh vực logistics, ngành chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận... còn có những cơ hội lớn khi làn sóng thương mại điện tử phát triển nhanh và người tiêu dùng ngày càng phổ biến mua sắm trực tuyến (online).

Trong thời gian gần đây, sự tăng trưởng của thương mại điện tử không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn cho thấy nhu cầu mua sắm online ngày càng đa dạng của khách hàng. Bên cạnh yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đặc thù hay nhập hàng, nhất là chuyển phát nhanh trên quy mô toàn cầu cũng ngày càng tăng cao.

Với kênh bán hàng online, tốc độ giao hàng nhanh là yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự hài lòng, cũng như giữ chân khách hàng trong bối cảnh thị trường online cạnh tranh khốc liệt. Bán hàng online từng bước đã gắn liền với hành vi tiêu dùng, nên những đơn bị nào cung cấp sản phẩm chất lượng, chuyển phát nhanh... sẽ chiến thắng trên cuộc đua đến trái tim người tiêu dùng.

Những xu hướng tiêu dùng mới, cũng như làn sóng thương mại điện tử sau dịch COVID-19, đang có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi và định hình chiến lược doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận hiện nay. Để đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, các đơn vị này phải đảm bảo yêu cầu linh hoạt đưa ra những dịch vụ chuyên biệt riêng phục vụ từng nhóm nhu cầu riêng biệt, hoặc đẩy mạnh khâu phân loại khách hàng nhằm đến với người tiêu dùng gần hơn nữa.

Mặt khác, trước thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu chưa thể khắc phục ngay lập tức như ùn tắc giờ cao điểm... đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận không ngừng nỗ lực tìm cách tối ưu hóa thời gian xử lý đơn hàng càng nhanh chóng càng tốt; trong đó, chuyển đổi số được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu giúp doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận chuyển , giao nhận để nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express cho rằng, thách thức cạnh tranh trong thị trường thay đổi liên tục như hiện nay vừa là áp lực, vừa là động lực để doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận tự làm mới, nâng cao năng lực của chính mình. J&T Express lựa chọn đầu tư một cách bài bản tại các trung tâm trung chuyển và ứng dụng công nghệ vào hệ thống quy trình xử lý, vận hành.

Thông qua đó, J&T Express đẩy mạnh chất lượng dịch vụ là bước đi chiến lược giúp J&T Express phát triển bền vững nhờ nâng cao sự hài lòng và mức độ trung thành của khách hàng. Cụ thể, J&T Express đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ Track and Trace, cho phép khách hàng có thể cập nhật tình trạng hàng hóa, thông tin đơn hàng hay liên hệ trực tiếp với nhà vận chuyển. Đồng thời, ứng dụng di động và website giúp việc giao nhận hàng hóa trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo ông Phan Bình, việc sở hữu một hệ thống 36 trung tâm trung chuyển hiện đại còn giúp J&T Express đảm bảo việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa vẹn nguyên đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Ngay cả trong những mùa cao điểm, doanh nghiệp vẫn cam kết đồng hành cùng khách hàng xuyên suốt 365 ngày không nghỉ, đảm bảo nhu cầu vận chuyển của thị trường và mang đến sự hài lòng tuyệt đối cho người tiêu dùng.

Tương tự, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường và hướng đến mục tiêu đa dạng hóa khách hàng, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận đã chú trọng tập trung vào một số ngành hàng có sức mua đang tăng cao trên thị trường online như sản phẩm nông sản và hàng hóa tươi sống. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics còn đồng hành cùng người nông dân và hướng dẫn đóng gói hàng hóa theo quy chuẩn để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như áp dụng công nghệ hiện đại vào việc quảng bá sản phẩm và bán hàng online trên mạng xã hội.

[TP.HCM: Tạo thuận lợi và an toàn trong hoạt động mua sắm online]

Không dừng lại ở thị trường nội địa, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận còn nắm bắt cơ hội khai thác cơ hội từ nhu cầu giao thương hàng hóa đi các nước và theo chiều ngược lại đang gia tăng sau giai đoạn dịch COVID-19. Trên cơ sở này, nhiều doanh nghiệp đã và đang tạo thị trường đủ lớn cho đa dạng dịch vụ chuyển phát nhanh, mở rộng bản đồ vận chuyển xuyên biên giới và kết nối toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)


Điều này phù hợp với xu hướng ngày càng người bán hàng online tại Việt Nam có nhu cầu cần hỗ trợ mở rộng thị trường kinh doanh xuyên biên giới, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước. Trên thực tế, với mạng lưới chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận của những thương hiệu quốc tế và tại Việt Nam, hiện nay nhiều người bán hàng online đã có thể giao dịch mua - bán hàng hóa trên thị trường rộng lớn hàng tỷ người, gồm các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, UAE, Saudi Arabia, Mexico, Brazil…

Tuy vậy, làn sóng tăng trưởng của ngành thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội, mà cũng tạo ra thách thức như mức độ cạnh tranh giữa các đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận cũng ngày càng tăng hơn trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, nhiều đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận chủ động liên kết, hợp tác với các đối tác thứ ba và cùng "bắt tay" giải bài toán về năng lực cạnh tranh, mang tới những gói dịch vụ tích hợp, hỗ trợ giải pháp tối ưu hoạt động kinh doanh của các bên.

Điển hình, những thương hiệu, gồm: J&T Express, Pancake, Upos, Haravan, Kiot Việt... đã bắt tay với nhau trong thời gian gần đây. Đây cũng được đánh giá là một trong những giải pháp cần thiết, tạo động lực thúc đẩy thị trường mua - bán online càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi người tiêu dùng mua sắm và ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn.

Ở góc độ người bán hàng online, chị Thanh Hà, cư ngụ tại quận Gò Vấp cho biết, khi nhiều thương hiệu chuyển phát nhanh, vận chuyên, giao nhận hợp tác với đơn vị cung cấp phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp người bán hàng online có thể theo dõi toàn bộ tiến trình vận chuyển và chất lượng hàng hóa qua từng khâu, kiểm soát luồng hàng xuất nhập khỏi kho. Mặt khác, sự hợp tác này cũng mang đến cơ hội kinh doanh rộng mở, ưu đãi hấp dẫn cho người bán hàng trên cả hai nền tảng, đặc biệt là những đơn vị mới gia nhập kinh doanh trực tuyến./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)