Italy khởi động dự án thu hồi và lưu trữ carbon hàng đầu thế giới
Eni khẳng định đây là dự án CCS hàng đầu thế giới và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu do EU đề ra là đến năm 2030, nâng công suất lưu trữ CO2 lên ít nhất 50 triệu tấn.
Ngày 3/9, Tập đoàn năng lượng Eni và công ty hạ tầng năng lượng Snam của Italy cho biết đã khởi động dự án thu hồi và lưu trữ carbon (CSS) đầu tiên tại nước này.
Thông báo nêu rõ hai công ty đã bắt đầu bơm CO2 đậm đặc vào một mỏ khí đã cạn kiệt ở Biển Adriatic, ngoài khơi thành phố Ravenna của Italy.
Trong giai đoạn đầu tiên, hai doanh nghiệp có kế hoạch bơm khoảng 25.000 tấn CO2 vào mỏ qua các đường ống dẫn khí đã chuyển đổi. Phần lớn lượng khí CO2 này đến từ nhà máy xử lý khí tự nhiên của Eni tại Ravenna. Dự kiến đến năm 2030, dự án sẽ giúp lưu trữ 4 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Eni khẳng định đây là "dự án CCS hàng đầu thế giới và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu do Liên minh châu Âu (EU) đề ra là đến năm 2030, nâng công suất lưu trữ CO2 lên ít nhất 50 triệu tấn."
Nguồn điện sử dụng cho dự án là từ năng lượng tái tạo, do đó việc vận chuyển CO2 sẽ không gây phát thải. Eni và Snam khẳng định dự án đã giúp loại bỏ hơn 90% lượng khí CO2 thải ra từ nhà máy tại Ravenna.
CCS bao gồm quá trình thu giữ CO2 từ các quy trình công nghiệp, sau đó lưu trữ dưới lòng đất để ngăn khí thải phát tán vào khí quyền, từ đó góp phần hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu./.