Israel: Xung đột đẩy thâm hụt ngân sách tăng lên mức 12,28 tỷ USD
Chi tiêu ngân sách của Israel tăng cao do chi phí quốc phòng tăng, cùng với các khoản trả trước cho các nhà cung cấp, chính quyền địa phương và cá nhân để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn xung đột.
Ngày 8/11, Bộ Tài chính Israel cho biết thâm hụt ngân sách trong một năm qua (tính đến tháng 10/2023) đã tăng lên 47,2 tỷ shekel (12,28 tỷ USD), tương đương 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Mức thâm hụt trên chịu tác động lớn của cuộc xung đột giữa Israel với Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza bùng phát hồi đầu tháng Mười vừa qua.
Số tiền này cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 27,4 tỷ shekel tính đến tháng Chín.
[UNRWA: Tình hình ở phía Bắc Dải Gaza như ‘địa ngục trần gian’]
Chiều hướng thâm hụt trong một năm qua hoàn toàn trái ngược so mức thặng dư ngân sách 8 tỷ shekel ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng Mười/2022.
Chỉ riêng trong tháng Mười năm nay, chi ngân sách hằng tháng của Israel lên tới 54,9 tỷ shekel, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nguồn thu giảm 16,4% xuống 32 tỷ shekel. Thâm hụt ghi nhận ở mức 22,9 tỷ shekel, tăng hơn 7 lần so với tháng Mười năm ngoái.
Theo Bộ Tài chính Israel, chi tiêu ngân sách tăng do chi phí quốc phòng tăng cùng với các khoản trả trước cho các nhà cung cấp, chính quyền địa phương và cá nhân để hỗ trợ nền kinh tế Israel trong giai đoạn xung đột.
Bên cạnh đó, thu từ thuế sụt giảm, một phần là do chính phủ nước này cho phép hoãn nộp thuế nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.