Iran sẽ triển khai máy ly tâm tiên tiến để đáp trả sự chỉ trích của IAEA

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã chỉ trích Iran thiếu hợp tác và gây sức ép để Iran phải tham gia đàm phán về những quy định hạn chế mới đối với hoạt động hạt nhân của nước này.

Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Ngày 22/11, Iran cho biết sẽ khởi động một loạt máy ly tâm "mới và tiên tiến" để đáp lại một nghị quyết của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ trích Tehran thiếu hợp tác và gây sức ép để Iran phải tham gia đàm phán về những quy định hạn chế mới đối với hoạt động hạt nhân của nước này.

Tuyên bố chung của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) và Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: "Người đứng đầu AEOI đã ban hành lệnh thực hiện các biện pháp hiệu quả, bao gồm khởi động một loạt máy ly tâm mới và tiên tiến thuộc nhiều loại khác nhau.”

Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc hợp tác với IAEA về kỹ thuật và bảo vệ “sẽ tiếp tục như trước đây và trong khuôn khổ các thỏa thuận do Iran thực hiện.”

Máy ly tâm là máy làm giàu urani chuyển thành khí bằng cách quay ở tốc độ rất cao, làm tăng tỷ lệ vật liệu đồng vị phân hạch (U-235).

Nghị quyết của IAEA được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng về chương trình hạt nhân của Iran.

Năm 2015, Iran và các cường quốc đã đạt thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của của mình.

Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, khiến Iran bắt đầu hủy bỏ các cam kết của chính mình.

Trước đó, ngày 21/11, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề pháp lý và quốc tế, ông Kazem Gharibabadi đã cảnh báo về bước đi tiếp theo của Tehran.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Gharibabadi nêu rõ: "Iran đã tuyên bố trong một lá thư chính thức gửi các nước châu Âu rằng sẽ rút khỏi NPT nếu cơ chế phục hồi được kích hoạt và các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được khôi phục."

Thỏa thuận JCPOA có một cơ chế "bật lại" có thể được kích hoạt trong trường hợp "không thực hiện đáng kể" các cam kết của Iran. Cơ chế này sẽ cho phép Hội đồng Bảo an tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt từng thực thi từ năm 2006-2015 đối với các hoạt động hạt nhân của Tehran./.