Indonesia, EU đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Song phương
Hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình thúc đẩy thỏa thuận trên trong vòng đàm phán lần này, khẳng định nhóm đàm phán sẽ tiếp tục chú ý đến lợi ích quốc gia của Indonesia.
Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc thành công vòng đàm phán thứ 14 về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Song phương (IEU-CEPA) được tiến hành tại Brussels (Bỉ) từ ngày 8-12/5 vừa qua.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nội dung tuyên bố ngày 14/5 của Bộ Thương mại Indonesia xác nhận hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình thúc đẩy thỏa thuận trên trong vòng đàm phán lần này.
Vụ trưởng Đàm phán Song phương thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Johni Martha, chia sẻ: “Với tiến độ này, chúng tôi lạc quan có thể đạt được các mục tiêu đã xác định.”
Ông Johni khẳng định nhóm đàm phán sẽ tiếp tục chú ý đến lợi ích quốc gia của Indonesia, đồng thời xem xét những lợi ích công bằng mà cả hai bên có thể đạt được.
Quan chức Indonesia khẳng định: “Ngoài ra, tất cả các nhóm công tác cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp và sẵn sàng triển khai những nỗ lực cần thiết để giải quyết mọi vấn đề khó khăn,” đồng thời cho biết cả 2 bên cam kết duy trì động lực đàm phán tích cực đã đạt được trong vòng đàm phán trước.
[Indonesia và EU sẽ hoàn tất đàm phán về IEU CEPA trong năm nay]
Trước đó, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) tại Bali hồi tháng 11/2022, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von Der Leyen đã bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán IEU-CEPA sẽ cơ bản hoàn tất vào cuối năm 2023.
Theo trang web chính thức của Bộ Thương mại Indonesia, tại vòng đàm phán IEU-CEPA lần thứ 13 được tổ chức ở Bali từ ngày 6-11/2 vừa qua, cả 2 bên đã cố gắng hoàn tất những cuộc thảo luận liên quan đến chương Thực hành Quản lý tốt (GRP), cũng như phần liên quan đến chỉ dẫn địa lý (GI) trong chương về Quyền Sở hữu Trí tuệ (IP).
Trong khi đó, 18 vấn đề chính đã được đàm phán trong vòng 14, bao gồm thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, an ninh thương mại, đầu tư, mua sắm của chính phủ, minh bạch và thực hiện quy định, giải quyết tranh chấp, quy định về thể chế, cũng như quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, vòng đàm phán lần này còn liên quan đến các vấn đề về doanh nghiệp nhà nước, hợp tác kinh tế và xây dựng năng lực, hệ thống tòa án đầu tư, trợ cấp, chính sách chống gian lận, năng lượng và nguyên liệu thô, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các rào cản kỹ thuật thương mại.
Ngoài ra, những cuộc đàm phán về một số chương của IEU-CEPA cũng đã được hoàn tất trong vòng đàm phán này, như các chương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), những biện pháp phòng vệ thương mại (TR), tính minh bạch.
Vòng đàm phán IEU-CEPA lần thứ 15 dự kiến được tổ chức vào tháng 7 tới tại Indonesia.
Thống kê chính thức cho thấy kim ngạch thương mại song phương Indonesia-EU đạt 33,2 tỷ USD trong năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu của Indonesia sang EU đạt 21,5 tỷ USD và nhập khẩu ở mức 11,7 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia sang EU bao gồm dầu cọ, axit béo monocacboxylic công nghiệp, than đá, đồng, và giày da.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU bao gồm ống sắt thép, thuốc, vaccine, máy làm bột giấy, giấy và bìa cứng tái chế./.