Indonesia: Đường lối đối ngoại ưu tiên quan hệ láng giềng gần

Chuyến công du đầu năm của Tổng thống Joko Widodo sẽ giúp cải thiện mối quan hệ tổng thể của Jakarta với các nước ASEAN, thể hiện đường lối đối ngoại ưu tiên quan hệ láng giềng gần của Indonesia.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo tại buổi hội đàm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong những ngày đầu tiên của năm 2024, khi kỳ nghỉ Năm mới vừa kết thúc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thực hiện chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài với điểm đến là 3 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Philippines, Việt Nam và Brunei.

Với vai trò quan trọng trong ASEAN và tiếp nối những thành công của năm Chủ tịch ASEAN, một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Indonesia là nhằm tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy các nước thực hiện cam kết đã đạt được.

Tại mỗi chặng dừng chân, Tổng thống Joko Widodo cùng lãnh đạo các nước đặc biệt nhấn mạnh tới củng cố quan hệ song phương và hợp tác giữa các nước ASEAN.

Tại Philippines, lãnh đạo hai nước chia sẻ đồng thuận về tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết và tính trung tâm trong Đông Nam Á; nhất trí tiếp tục đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trở thành lực lượng tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Hai nước khẳng định tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh; thúc đẩy hợp tác biên giới bằng cách khuyến khích đẩy nhanh quá trình sửa đổi thỏa thuận tuần tra biên giới, thỏa thuận xuyên biên giới, giải quyết ranh giới thềm lục địa và tăng cường hợp tác quốc phòng.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cuộc họp báo chung ở Manila ngày 10/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Philippines và Indonesia khẳng định sự nhất quán về tính phổ quát của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trong đó đặt ra khuôn khổ pháp lý chi phối mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Hai nhà lãnh đạo nhận định 75 năm quan hệ ngoại giao là động lực tuyệt vời để tăng cường hơn nữa hợp tác thiết thực và cụ thể giữa hai nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, chuyên gia báo chí cao cấp Veeramalla Anjaiah của Indonesia nhận định: “Cả Indonesia và Philippines đều nhất trí tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tổng thống Joko Widodo cho rằng ASEAN phải tiếp tục đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và duy trì lực lượng tích cực vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.”

Trong khi đó, báo chí Phillipines nhận định Manila coi Jakarta là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất trong khu vực. Cả hai đều là thành viên sáng lập của ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).

Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Philippines, thị trường xuất khẩu thứ 15 và nhà cung cấp nhập khẩu thứ hai của Philippines với tổng kim ngạch thương mại đạt 13,9 tỷ USD vào năm 2022.

Indonesia cũng là nước đóng góp dòng vốn đầu tư lớn thứ 15 vào Philippines với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng được ghi nhận là 7,18 USD vào năm 2022.

Tại Việt Nam, trong các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ, năng động của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia.

Trong ASEAN, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia. Bất chấp COVID-19, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng tích cực (từ 9 tỷ USD năm 2019 lên gần 14 tỷ USD năm 2023).

Tổng thống Indonesia khẳng định luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác với Việt Nam - đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia trong ASEAN.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Benni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia, nhận định đối với Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo đã tạo cơ hội lớn để hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, nhất là an ninh lương thực.

Indonesia là đối tác nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng hợp tác hai nước trong vấn đề an ninh lương thực sẽ được quan tâm, thúc đẩy hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh đó, hợp tác về phát triển xe điện cũng được hai nhà lãnh đạo Indonesia và Việt Nam thảo luận sâu sắc.

Các lĩnh vực hợp tác sẽ mang lại giá trị cho cả Việt Nam và Indonesia, làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên cạnh đó, như khẳng định của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai nước cần tăng cường hợp tác bởi “Chúng ta có cùng tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045."

Nhà báo Tommy của Đài CNBC chia sẻ quan điểm Indonesia coi Việt Nam là một người bạn tốt, thậm chí cao hơn cả tình bạn - đó là tình cảm của những người thân trong gia đình.

Chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo diễn ra đầu năm 2024 có nghĩa quan trọng, góp phần kết nối, thúc đẩy quan hệ hai nước, mang lại giá trị cho cả hai bên, không những vấn đề kinh tế, chính trị mà còn ở khía cạnh giao lưu nhân dân, để hai nước có được những hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh mà Indonesia có thể học hỏi thêm để phát triển chính mình.

Trang Foreign Brief phân tích Việt Nam hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở Đông Nam Á và Indonesia muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Tại điểm dừng chân cuối cùng - Brunei, Tổng thống Joko Widodo đã nhấn mạnh tới hợp tác kinh tế giữa hai nước, đề nghị các doanh nghiệp Brunei nghiên cứu đánh giá về khả năng hợp tác đầu tư vào thủ đô mới Nusantara.

Theo giới phân tích, chuyến thăm đầu năm của Tổng thống Joko Widodo tới 3 quốc gia nêu trên sẽ giúp cải thiện mối quan hệ tổng thể của Jakarta với các nước ASEAN, thể hiện đường lối đối ngoại ưu tiên quan hệ láng giềng gần của Indonesia./.