Indonesia: Bạo loạn tại sân vận động trong trận derby địa phương

Những hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy các cổ động viên ném đá vào cảnh sát, trong khi lực lượng an ninh sử dụng đạn bằng hơi cay và vòi rồng.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán cổ động viên. (Nguồn: AP)

Ngày 17/2, giới chức Indonesia cho biết cảnh sát tại tỉnh Trung Java của nước này đã buộc phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán hàng trăm cổ động viên tìm cách vào sân vận động để xem bóng đá.

Theo Tỉnh trưởng tỉnh Trung Java - ông Ganjar Pranowo, vụ bạo loạn trong ngày liên quan trận derby giữa hai câu lạc bộ PSIS Semarang và Persis Solo.

Vé của trận đấu này đã được bán hết, tuy nhiên một ngày trước khi trận đấu diễn ra, cảnh sát đã quyết định tổ chức trận đấu theo hình thức "không khán giả," do lo ngại vấn đề an ninh.

Cảnh sát tại Indonesia có quyền quyết định như vậy dựa theo những quy định được đưa ra sau thảm họa giẫm đạp tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, khiến 135 người thiệt mạng hồi tháng 10 năm ngoái.

[Indonesia xét xử vụ bạo loạn sân cỏ tồi tệ hồi tháng 10/2022]

Tuy nhiên, điều này khiến các cổ động viên đội chủ nhà PSIS Semarang tức giận và hàng trăm người đã tập trung bên ngoài sân vận động Jatidiri để đòi vào dự khán.

Những hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy các cổ động viên ném đá vào cảnh sát, trong khi lực lượng an ninh sử dụng đạn bằng hơi cay và vòi rồng.

Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại về người và tài sản sau vụ việc này.

Trên thực tế, việc sử dụng hơi cay để trấn áp các cổ động viên quá khích đang là vấn đề gây tranh cãi tại Indonesia, sau khi một cuộc điều tra đã kết luận rằng việc cảnh sát sử dụng hơi cay bừa bãi và quá mức hồi là nguyên nhân chính gây ra vụ giẫm đạp ở Malang.

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng đã cấm sử dụng hơi cay như một biện pháp kiểm soát đám đông bên trong các sân vận động.

Tỉnh trưởng Ganjar Pranowo nêu rõ ông thông cảm với sự thất vọng của các cổ động viên, đồng thời cho rằng các nhà tổ chức nên phối hợp tốt hơn với cảnh sát trong vấn đề này.

Vụ bạo loạn ngày 17/2 được xem là một trở ngại khác đối với Indonesia, trong bối cảnh Xứ Vạn đảo đang bị FIFA giám sát chặt chẽ sau thảm họa giẫm đạp tại Malang và nước này chuẩn bị tổ chức World Cup U23 vào tháng 5 tới./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)