IEA: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhấn mạnh rằng trong thập kỷ qua Trung Quốc đã chiếm hơn 60% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu để cung cấp cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, do đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và sự gia tăng sử dụng xe điện cùng nhiều yếu tố khác.

Ông Birol nhấn mạnh rằng trong thập kỷ qua Trung Quốc đã chiếm hơn 60% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu để cung cấp cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Ông Birol cho rằng ngành giao thông vận tải là một lĩnh vực chính thúc đẩy nhu cầu dầu, và lĩnh vực này sẽ được điện khí hóa. Ông cũng lưu ý rằng việc giá dầu không tăng vọt bất chấp những vấn đề địa chính trị ở Trung Đông, cho thấy nhu cầu dầu đang yếu đi. Ông Birol tin rằng nhu cầu dầu vào năm 2050 sẽ giảm đáng kể so với hiện tại.

Nhận xét của ông được đưa ra một ngày sau khi ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Saudi Aramco, cho rằng tiêu thụ dầu có thể tăng cho đến năm 2050 nhờ nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, ông Birol khẳng định rằng dầu mỏ sẽ vẫn tiếp tục là một phần của hỗn hợp năng lượng toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Birol cũng cho biết năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

Ông lưu ý bất chấp sự cố tại Fukushima, năng lượng hạt nhân đang có sự trở lại mạnh mẽ trên toàn cầu tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ông Birol cũng đã đề cập đến việc phân bổ không cân đối tài nguyên cho đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ông cho biết ngân sách cho lĩnh vực năng lượng toàn cầu vào khoảng 3.000 tỷ USD, trong đó 2.000 tỷ USD được dành cho năng lượng sạch. Tuy nhiên, chỉ có 15% trong số 2.000 tỷ USD này sẽ được sử dụng cho các nền kinh tế đang nổi, vốn chiếm 67% dân số toàn cầu.

Ông Birol nhấn mạnh cần phải khắc phục tình trạng trên và đảm bảo rằng các nước đang phát triển cũng có quyền tiếp cận vào đầu tư năng lượng sạch./.