Huy động nguồn lực kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Lòng yêu nước, tự hào dân tộc sẽ là điểm tựa sức mạnh để kiều bào nỗ lực cùng đồng bào trong nước hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam phát triển thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với kiều bào tiêu biểu dự Chương trình Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào đời sống quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức và đối tác khác, cùng chung tay huy động những nguồn lực quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Do đó, phát huy tổng thể nguồn lực kiều bào trong tổng thể nguồn lực quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Từ những giá trị Việt...

Sinh ra và lớn lên ở Pháp, được hưởng nền giáo dục quốc tế, song bà Aurélia Nguyen (nguyên Giám đốc điều hành Chương trình Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX) cho rằng, trong quá trình trưởng thành và làm việc, những giá trị Việt Nam đã in sâu trong tâm trí bà, đặc biệt việc giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình.

Cùng với đó, bà có niềm đam mê với y tế công cộng từ sớm, luôn mong muốn quyền tiếp cận thuốc và vaccine không chỉ dành cho những quốc gia có thu nhập cao mà còn dành cho tất cả mọi người trên thế giới.

Khi Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của COVAX trong đợt phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, bà cảm thấy “rất tuyệt vời."

Lý giải về cảm xúc của mình, bà cho biết, là một người gốc Việt, Việt Nam có một vị trí rất gần gũi trong trái tim của bà. Bà trưởng thành với rất nhiều giá trị dân tộc, điển hình như giá trị của gia đình, tầm quan trọng của việc quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Do đó, việc giúp đỡ Việt Nam qua các liều vaccine phòng COVID-19 được phân phối là một phần trong nỗ lực bảo đảm y tế công cộng trên toàn thế giới.

“Tôi thấy tự hào vì có thể đóng góp vào nỗ lực phòng, chống dịch này," bà Aurélia Nguyen chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho bà Aurelia Nguyen, kiều bào Pháp, Giám đốc điều hành Chương trình Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Không dừng lại ở đó, trở về nước sát dịp Tết Quý Mão, bà Aurélia Nguyen tiếp tục có một số hoạt động như thảo luận với Thủ tướng Chính phủ về một số ưu tiên của Việt Nam liên quan đến tăng cường miễn dịch và vaccine phòng dịch; trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế về chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 mà Việt Nam đã triển khai, với sự phối hợp của COVAX…

Trong thời gian tới, bà Aurélia Nguyen mong muốn, dựa trên những hợp tác đã có, Việt Nam và COVAX tiếp tục xây dựng chương trình liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ em. Đồng thời, bà muốn thúc đẩy quá trình tìm kiếm những loại vaccine Việt Nam có thể sử dụng để ngăn ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Có thể nói, trong những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch, sự hỗ trợ quý báu bà Aurélia Nguyen cũng như cơ chế COVAX và cộng đồng quốc tế góp phần quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm chủng và bao phủ vaccine cao như hiện nay với gần 260 triệu liều, trong đó COVAX đã hỗ trợ hơn 70 triệu liều.

Nhờ đó, đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát thành công dịch bệnh, tạo nền tảng để phục hồi và phát triển.

Câu chuyện của bà Aurélia Nguyen là một trong những minh chứng rõ nhất rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước.

... đến “sức mạnh mềm” của dân tộc

Bày tỏ niềm tự hào khi nói về những đóng góp, tình cảm của cộng đồng kiều bào với quê hương đất nước, một trong những đóng góp quan trọng nhất mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhắc đến, đó chính là việc giữ gìn, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam của hàng triệu kiều bào có mặt trên hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các giá trị truyền thống Việt được bà con ta gìn giữ và phát huy không chỉ là sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng, với quê hương, mà còn là thông điệp văn hóa sâu sắc truyền tải đến bạn bè quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu và tin tưởng chúng ta hơn, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.

["Tăng tốc" thực hiện toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài]

Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, kiều bào còn là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Hàng năm có khoảng 500 lượt chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu từ các nước phát triển về nước tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, đặc biệt tư vấn cho các ngành, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam.

Bà con đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, cụ thể trong các vấn đề lớn của đất nước như: Khoa học công nghệ, kinh tế xanh, môi trường, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Đoàn kiều bào tiêu biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Nhiều người tích cực kết nối, hợp tác với trí thức trong nước, hình thành nên những mạng lưới các nhà khoa học không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn là ở phạm vi quốc tế, sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam khi cần thiết.

Bên cạnh đó, kiều bào đã trực tiếp tham gia vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở trong nước. Các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tên tuổi của trí thức kiều bào đã xuất hiện, ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của đất nước.

Tiêu biểu như Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào Pháp); Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (Giáo sư Ngô Bảo Châu - kiều bào Mỹ); Viện khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trương Nguyện Thành - kiều bào Mỹ); trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật)...

Một nguồn lực vô cùng quan trọng khác của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là nguồn lực về kinh tế. Cho đến nay, kiều bào đã đầu tư về nước hàng nghìn dự án với số vốn hàng tỷ USD, góp phần tạo việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Kiều hối là nguồn lực quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế...

Trong 3 năm cả thế giới biến động và lao đao vì đại dịch COVID-19, kiều hối gửi về nước vẫn tăng đều đặn khoảng 4-5%/năm, đạt mức 18,1 tỷ USD năm 2021, tương đương gần 5% GDP, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thu hút kiều hối lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, doanh nhân kiều bào cũng có nhiều đóng góp trong xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ở sở tại, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của ta như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái," “lá lành đùm lá rách," đồng bào ta ở nước ngoài còn tích cực hỗ trợ, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo hướng về quê hương, ủng hộ đất nước trong phòng, chống dịch bệnh; giúp đỡ đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của bão lụt, thiên tai, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ cộng đồng người Việt ở các nước gặp khó khăn như tại Ukraine...

Những đóng góp toàn diện trên các lĩnh vực của kiều bào ta ở nước ngoài đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước thời gian qua, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát huy mạnh mẽ nguồn lực kiều bào

Để huy động nguồn lực của kiều bào trong tình hình mới, năm 2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật dành cho người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con khi về nước sinh sống, học tập, làm việc, đầu tư…; bổ sung, hoàn thiện những chính sách, biện pháp mới nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực kiều bào; thúc đẩy tiếp thu ý kiến của kiều bào để kiến nghị các chính sách phù hợp.

Công tác đại đoàn kết luôn được xác định là nền tảng quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển, đảo Việt Nam” đã trao tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sỹ tại đảo Trường Sa 10 bộ loa di động trị giá hơn 48 triệu đồng. Ảnh: TTXVn phát

Trong năm tới, công tác đại đoàn kết sẽ được đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả về các mặt như xác định chủ trương, đề ra các chương trình, đề án cụ thể, và triển khai thực hiện một cách sát sao, hiệu quả.

Việc gìn giữ và phát huy ngôn ngữ và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được coi trọng nhằm xây dựng môi trường bền vững và thúc đẩy tinh thần yêu nước của kiều bào.

Đối với nhóm doanh nhân, trí thức kiều bào, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã nhấn mạnh việc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong nước, các tổ chức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của kiều bào đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức kiều bào và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ…

Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện vào khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó, sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là không thể thiếu.

Lòng yêu nước, tự hào dân tộc sẽ là điểm tựa sức mạnh để kiều bào ta nỗ lực hơn nữa, cùng đồng bào trong nước hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam phát triển thịnh vượng, có vị thế cao, xứng tầm sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đất nước đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới để phát triển. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)